Chủ nhà hưởng lợi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự trùng lặp về thời điểm làm nên tính hiếm hoi của sự kiện khi cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẫn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng lúc thăm Mỹ.

Chương trình nghị sự của 2 nhà lãnh đạo này trong thời gian thăm Mỹ khá giống nhau, tuy nhiên nội dung cụ thể đương nhiên không thể như nhau. Điều đáng chú ý là ông Tập Cận Bình và ông Modi không dự định hội kiến nhau bên lề khóa họp Đại hội đồng của Liên Hợp quốc năm nay.

Sự hiện diện của lãnh đạo 2 nền kinh tế lớn của thế giới và châu Á cho thấy, phía Mỹ trong tư cách chủ nhà được lợi nhiều nhất. Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ không phải là tồi nhưng cũng chưa hẳn thật sự tốt đẹp. Chính vì thế mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc và Ấn Độ đều chủ ý chơi con bài đối trọng. Ở lần này, Trung Quốc và Ấn Độ tích cực tranh thủ Mỹ trong khi Mỹ giữ cân bằng chứ không thiên lệch ngả hẳn về phía nào.

Ông Tập Cận Bình không được dễ dàng như ông Modi trong lần đi Mỹ này. Giữa Mỹ và Trung Quốc hiện có nhiều chuyện phải giải quyết mà nếu không giải quyết được ổn thỏa thì ít nhất cũng phải đạt được nhận thức chung và thỏa thuận cách ứng xử giữa Mỹ và Trung Quốc để khi căng thẳng và đối đầu, bất đồng hay hiểu nhầm bùng phát hoặc gia tăng thì cũng không làm ảnh hưởng đến những thành quả hợp tác đã đạt được và những dự án hợp tác đã thỏa thuận thực hiện trong quan hệ song phương. Đối với ông Tập Cận Bình, chuyện chính trị an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, an ninh mạng... quan trọng không kém chuyện hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại để kinh tế Mỹ và Trung Quốc cùng tăng trưởng và bọc đỡ cho nhau. Trong khi đó, ưu tiên hàng đầu của ông Modi là thu hút vốn đầu tư của Mỹ và chinh phục thị trường Mỹ cho hàng xuất khẩu của Ấn Độ.

Vì phía Mỹ phải cân bằng quan hệ nên sẽ không có chuyện ông Modi hay ông Tập Cận Bình thành công nổi trội hơn nhau với chuyến đi Mỹ này. Mọi chuyện mắc mớ chưa phải đều đã được giải quyết hết, nhưng ai cũng có cái để hài lòng và để làm cho dư luận trong nước tin rằng đã rất thành công.