Duy trì cầm chừng
Năm học mới 2021 – 2022 đã diễn ra được nửa tháng, nhưng các hiệu trưởng, chủ nhóm lớp MN tư thục không biết năm học này có bao nhiêu học sinh, mà phải chờ đến khi hết dịch, khi các bé được bố mẹ đưa đến trường. Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, cô P.L.H là hiệu trưởng một trường mầm non tư thục (quận Hà Đông) cho hay: Trường MN tư thục tự thu tự chi; nguồn thu chủ yếu dựa vào học sinh. Học sinh nghỉ học ở nhà đồng nghĩa với nhà trường không có thu nhập, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cán bộ, giáo viên và người lao động.
Vừa qua, nhà trường có 17 giáo viên đủ điều kiện được nhận hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 68/NQ-CP là nguồn động viên về kinh tế và tinh thần. Nhưng dịch bệnh kéo dài từ năm ngoái, nhất là 5 tháng nay các giáo viên MN tư thục phải nghỉ ở nhà, cuộc sống hết sức khó khăn. “Đời sống các cô giáo trường tôi bấp bênh từ tháng 5/2021. Kế toán phải đi buôn rau để nhặt nhạnh từng 1.000 – 2.000 đồng/túi. Nghĩ đến các cô là tôi ứa nước mắt. Nhưng, bản thân tôi là hiệu trưởng cũng phải nấu cháo, nấu chè mang đi ship cho các nhà quanh khu chung cư. Mỗi cốc chè chỉ lãi vài ba ngàn đồng nhưng khi có khách đặt mua dù chỉ 5 hay 7 cốc, tôi cũng nấu để kiếm được đồng nào hay đồng đó”.
Trong thời gian giãn cách xã hội, không ít Chủ nhóm trẻ, giáo viên mầm non tư thụ phải nấu cháo, nấu chè và đi ship cho khách để có thu nhập. |
Cuộc sống của giáo viên MN tư thục rất vất vả, nhất là đối với những cô giáo có con nhỏ, đi thuê nhà trọ thì gánh nặng đè trên vai. Mức lương của giáo viên MN thấp, khi nghỉ dịch không có tiền tích lũy nên cuộc sống khốn khó muôn phần. Cô Mai Thị Ngát - Chủ lớp Búp măng non (quận Thanh Xuân) đã chia sẻ về việc đã hỗ trợ các giáo viên một phần rất nhỏ tiền thuê nhà, gạo, mỳ tôm để mong các cô bám trụ qua mùa dịch.
Giáo viên mầm non trên địa bàn quận Hà Đông phấn khởi khi được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP. |
“Nhà trường bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến năm thứ hai nên cũng rất khó khăn, dù không hoạt động nhưng vẫn phải thanh toán tiền thuê địa điểm. Để tồn tại, các giáo viên mầm non đã buôn rau, đi ship hàng, gói từng cái bánh chưng để bán. Khi thấy giáo viên của mình như vậy, tôi rớt nước mắt nhưng không có cách nào khác vì không có khả năng để hỗ trợ các cô bằng mức tiền lương như lúc đi làm. Mặc dù rất yêu nghề nhưng vì cuộc sống của gia đình, đã có cô chuyển sang đi làm công nhân, phu hồ; chúng tôi thấy xót xa quá nhưng đành chấp nhận” – cô Ngát ngậm ngùi cho hay
Xoay đủ nghề kiếm sống
Chiều 22/9, cô Hà Ngọc Tường là giáo viên Nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục Họa Mi (huyện Ba Vì) ra đồng phụ giúp mẹ chồng nhặt cỏ, chăm sóc những luống rau. Mùa dịch năm nay, cô Ngọc Tường đã trải qua nhiều công việc để có tiền để chăm lo cho gia đình có 4 thành viên. Hồi đầu tháng 5/2021 khi mới nghỉ dạy ở nhà, cô Tường đi buôn măng tươi từ Sơn La, mỗi lần lấy 50 kg mang ra chợ hoặc ngồi ở đầu đường 32 để bán. Mỗi cân măng được bán đi, cô Tường lãi 2.000 đồng, thu nhập có ngày được 60.000 đồng, có ngày 70.000 đồng. Khi mùa măng hết, cô Tường xin đi đóng gói hàng thuê cho shop bán hàng online cách nhà 7km, mỗi ngày được nhiều nhất 100.000 đồng. Nhưng từ tháng 7, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu, ở yên đó”, cô giáo mầm non mất việc gói hàng, hàng ngày phụ mẹ chồng chăm sóc rau cải ngồng, cải đắng, cà chua.
Cô Hà Ngọc Tường - Giáo viên Nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục Họa Mi (huyện Ba Vì) phụ giúp mẹ chồng nhặt cỏ, chăm sóc những luống rau. |
“Em có hai con, cháu đầu học lớp 2, cháu bé 4 tuổi bị còi xương. Để lo cho các con, em đang xin mấy chỗ để đi đóng gói đơn hàng, chỉ mong có tiền mua sữa và thuốc bổ cho con uống. Trước đây, công việc của chúng em luôn chân luôn tay, mấy tháng nay ở nhà buồn bực, lại bị áp lực cuộc sống. Chúng em đã làm hồ sơ xin hỗ trợ theo quy định, hy vọng sẽ sớm được các cấp phê duyệt” – cô Ngọc Tường mong mỏi.
Không chỉ cô Ngọc Tường, cuộc sống của các đồng nghiệp khác cũng hết sức khó khăn. Có giáo viên phải đi nhận nguyên liệu về đan sọt, tiền công mỗi cái được 2.000 – 3.000 đồng. Ngay cả chủ Nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục Họa Mi Chu Minh Thuận cũng hết sức khốn khó. “Vợ tôi mắc bệnh hiểm nghèo sau gần 2 năm Nhóm lớn hoạt động, các khoản vay nợ vẫn còn nên không có nguồn để hỗ trợ giáo viên. Hiện nay, hai bố con tôi phải sống nhờ bố mẹ, chỉ mong các cô giáo chia sẻ, cố gắng bám trụ với nghề” – anh Chu Minh Thuận cho hay.
Nhưng không phải giáo viên MN tư thục nào cũng có thể đi làm thuê, buôn bán vì còn tùy thuộc vào cái duyên, hoàn cảnh gia đình. Với những giáo viên có các con nhỏ, công việc khi ở nhà chống dịch là chăm lo cho các con và hỗ trợ dạy học. Vì thế, nguồn sống chủ yếu dựa vào người chồng, trong trường hợp chồng cũng mất việc thì chỉ còn cách đi vay mượn tiền để chi tiêu. “Em có 3 con nhỏ, em đã phải vay tiền để mua thức ăn, sữa, điện, ga; còn những thứ đồ không thật sự cần thiết thì cắt hết. Lúc này, em rất mong dịch bệnh được kiểm soát để lại được đến trường chăm nuôi các bé mầm non và có thu nhập. Mặt khác, em đã nghĩ tới phương án gửi con về quê và tìm công việc khác, chứ dịch bệnh vẫn đang căng thẳng không biết đến bao giờ mới kết thúc để được đến trường” – cô Trần Hồng Vân – giáo viên Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập Bé biết bay (huyện Thanh Oai), bộc bạch.
Để hỗ trợ cho các giáo viên MN tư thục giảm bớt khó khăn, hiện nay phòng LĐTB&XH các quận, huyện vẫn đang khẩn trương phê duyệt danh sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 15/NQ-HĐND đối với người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục dừng hoạt động. Về phía phòng GD&ĐT các quận, huyện cũng tích cực huy động các nhà tài trợ hỗ trợ lương thực, thực phẩm để góp phần giúp cho các giáo viên trong giai đoạn khó khăn này.