Chủ quán, người lao động vui mừng khi được đi làm trở lại

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi biết tin 19 quận, huyện được mở lại các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhiều chủ cửa hàng, người lao động rất vui mừng và phấn khởi. Thậm chí có những người hồi hộp, thức suốt đêm chỉ mong sao trời nhanh sáng để dọn dẹp cửa hàng, chuẩn bị đồ phục vụ khách hàng.

Có việc làm là có thu nhập
Ba Đình là một trong 19 quận, huyện vùng xanh không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tính từ ngày 6/9 đến 18 giờ ngày 15/9, đủ điều kiện mở lại một số hoạt động, trong đó có dịch vụ kinh doanh ăn uống. Gần 2 tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, vợ chồng con cái chị Nguyễn Thị Hạnh Hạnh là chủ quán Bún Ngan (số 134, phố Phan Kế Bính, quận Ba Đình), chỉ ở trong nhà, cảm giác bí bách, rất muốn được mở cửa bán hàng trở lại.
Chính vì thế, tối muộn ngày 15/9 khi biết tin được bán hàng mang về, chị Hạnh liền lấy túi măng khô ra luộc tới tận 2 giờ 30 ngày 16/9 mới đi ngủ. Chị Hạnh chẳng thể ngủ được vì niềm vui sắp được bán hàng, có cơ hội được gặp những khách quen. 4 giờ sáng, chị Hạnh bật dậy chuẩn bị các công việc cho ngày đầu tiên mở lại cửa hàng như gọi điện cho mối hàng đặt mua ngan, xương lợn về ninh nước dùng, mang măng ra cửa hàng, đi chợ mua rau gia vị.
 Được phép bán hàng mang về là niềm vui sướng đối với nhiều chủ quán và người lao động, trong đó có gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh. Ảnh: Thủy Trúc.
“Tôi vui lắm. Việc TP cho phép các quận, huyện đợc bán hàng trở lại đã giải quyết được việc làm cho rất nhiều người, như trong gia đình có tôi, chồng, mẹ đẻ và 1 nhân viên mấy tháng nay chỉ ăn ở trong nhà. Chỉ mong sao nước mình không có ca nào nữa thì chúng tôi mới có công việc bền vững”- chị Hạnh bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Hạnh – Chủ tiệm Cơm Hạnh (số nhà 14D – 2A Tập thể Văn phòng Chính phủ, phố Vạn Phúc, quận Ba Đình) cũng rất phấn khởi khi biết tin được bán hàng mang về từ 12 giờ ngày 16/9. Điều này đồng nghĩa với việc hằng ngày chị Hạnh và các nhân viên sẽ lại có việc làm và thu nhập.  
Chia sẻ với phóng viên, chị Hạnh cho biết gần 2 tháng nghỉ chống dịch đã tham gia trực chốt ở tổ dân phố; ủng hộ cho đội phòng chống dịch 60 suất ăn và đóng góp 30 ngày công nấu ăn cho các thành viên trực chốt, chiến sĩ áo trắng và thanh niên làm nhiệm vụ tại các điểm tiêm vaccine.

 Chủ tiệm Cơm Hạnh chuẩn bị thực phẩm tươi ngon để nấu những suất cơm chất lượng phục vụ khách hàng đến mua mang về. Ảnh: Thủy Trúc.
Từ 5 giờ sáng ngày 16/9, chị Hạnh đã thức dậy rửa từng cái đĩa kê lên giá cho khô ráo, lau các khay đựng cơm, bàn ghế, sàn nhà, cánh cửa sạch sẽ. Chị Hạnh cũng chuẩn bị tấm biển màu đỏ, chữ trắng thông báo người đi ship hàng cơm đứng cách nhau 2m, sát khuẩn tay.... Đến 12 giờ, công việc dọn dẹp tiệm cơm của chị Hạnh đã tạm ổn.
Bán hàng mang về nhưng các chủ quán, tiệm ăn đều lau bàn ghế sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng để có không gian thoáng đãng phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Thủy Trúc.
Chủ quán Bún Ngan, chủ tiệm Cơm Hạnh...cho biết, thời gian qua khi thực hiện giãn cách xã hội, những người kinh doanh có cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng các khách hàng còn khốn khó hơn. Chia sẻ với khách hàng,  các chủ quán giữ nguyên giá bán như trước khi có dịch; đồ ăn đảm bảo tươi ngon, thậm chí chất lượng tăng hơn trước. “Hôm nay tôi đã chuẩn bị nguồn thực phẩm tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, để từ ngày mai sẽ nấu khoảng 70 – 80 suất để phục vụ khách hàng” – chủ tiệm Cơm Hạnh cho hay.
Được làm việc thấy người khỏe ra
Việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho phép 19 quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng từ thời điểm thực hiện Chỉ thị 20 được bán hàng mang về cũng tạo cho những người bán đồ uống được phục vụ khách hàng, có cơ hội kiếm tiền, dù lượng người đến mua có thể không bằng như bán đồ ăn. “Được mở lại quán là tôi thấy mừng vì dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát. Chúng tôi rất mong mọi người dân tin tưởng vào Chính phủ, TP, cùng thực hiện đúng quy định 5K để dịch qua mau, mọi người được đi làm, đời sống người dân ổn định và kinh tế phát triển” – chị Trần Thị Kim Hằng – chủ quán Cà phê Mai tại địa chỉ 122A5 phố Vạn Phúc, quận Ba Đình chia sẻ.
 Cô Bùi Thị Kèn là lao động tự do kẹt lại Hà Nội cho biết, cả đêm hồi hộp không ngủ vì rất vui khi lại được làm việc, phục vụ khách hàng. 
Được phép đi làm trở lại đối với nhiều người lao động trong đó có cả lao động tự do bị kẹt lại Hà Nội đang ở vùng xanh là điều rất quý hóa. Trong đó, có những người lao động phổ thông, luôn chân luôn tay làm việc, nhiều ngày ở trong phòng để phòng chống dịch Covid-19 cảm thấy rất khó chịu, buồn bực tay chân.
Cẩn thận lau từng khe cánh cửa ở tiệm Cơm Hạnh, cô Vũ Thị Trâm (quê Hà Nam) xúc động nói: Trước đây tôi là nhân viên phục vụ ở bể bơi nhưng từ tháng 5 bị mất việc làm. Thấu hiểu hoàn cảnh của những lao động xa quê bị kẹt lại Hà Nội như chúng tôi, cách đây mấy ngày cô Hạnh đã nhận tôi vào làm việc, cho ăn, bố trí chỗ ngủ miễn phí và hằng ngày trả tiền công. Cô Hạnh đang tham gia chương trình “Đi chợ hộ” cho những người dân trong khu vực tổ dân phố, nên cô ấy giao cho tôi sắp hàng theo đơn và trông nom cửa hàng.
 Các quán hàng thực hiện nghiêm quy định 5K để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Thủy Trúc.
Vừa rót tương ớt vào các túi nhỏ để phục vụ khách mua hàng bún miến ngan mang về, cô Bùi Thị Kèn (quê Hòa Bình) vui vẻ bộc bạch niềm vui khi được làm việc. Bởi 50 ngày nay, thực hiện giãn cách xã hội nên cô Kèn không thể về nhà. Cô cũng không dám ra ngoài vì sợ con Covid-19 vô hình dính vào người. Hằng ngày, người phụ nữ này được chủ quán cho ăn, nhưng chẳng có việc gì làm; chán xem ti vi, rồi đi ngủ khiến người như muốn ốm.
“Cả đêm qua, tôi hồi hộp, không ngủ được khi biết tin sẽ được bán hàng trở lại. Hôm nay, được làm việc tại quán hàng, tiếp xúc với khách, tôi thấy người khỏe ra. Chỉ mong sao Hà Nội hết dịch, để tôi về thăm gia đình vài hai ngày cho đỡ nhớ” – cô Bùi Thị Kèn cười tươi nói.
Chủ tiệm Cơm Hạnh dán biển thông báo những người đi ship cơm chấp hành Chỉ thị, thực hiện 5K, đứng cách nhau 2 mét. Ảnh: Thủy Trúc. 
Chủ các cửa hàng kinh doanh ăn uống đều cho biết sẽ thực hiện quy định của TP Hà Nội về thực hiện 5K phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho mình, gia đình và xã hội. Trong ngày đầu tiên được bán hàng trở lại, các quán hàng đã tạo điểm quét QR Code quản lý thông tin người ra vào; kê vách ngăn để tránh việc khách tiếp xúc gần; bố trí nước sát khuẩn tay để khách sử dụng; kẻ vạch sơn thông báo chỗ đứng của khách đến mua hàng... để phòng chống dịch.