Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ thể của quyền tự do báo chí là ai?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một trong những câu hỏi mà cơ quan thẩm tra là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo phải làm rõ khi Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) chính thức được trình ra Quốc hội chiều 4/11.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son trình bày tờ trình dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son trình bày tờ trình dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Đào Trọng Thi đánh giá, điểm mới của Dự án Luật so với Luật hiện hành là mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí… Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh. Trong đó, quanh vấn đề được nhiều người quan tâm là quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí, Dự án Luật chia thành 2 quyền riêng và quy định tại 2 điều khác nhau, nhưng lại không được làm rõ nội dung quyền tự do báo chí của công dân. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo căn cứ vào Hiến pháp, làm rõ 2 vấn đề: Chủ thể của quyền tự do báo chí là ai? Nội dung quyền tự do báo chí là gì (hay nói cách khác: tự do báo chí khác tự do ngôn luận trên diễn đàn báo chí như thế nào).

Dự án Luật cũng quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu. Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cho biết, qua giám sát, Ủy ban nhận thấy, chỉ có 284/845 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính như các DN. Thực tiễn đó cho thấy, hiện còn quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan Nhà nước thành lập và bao cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Dự án Luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí hưởng NSNN, nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho NSNN. Đồng thời, phân loại các cơ quan báo chí và quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở để Chính phủ xây dựng quy hoạch báo chí và có cơ chế tài chính tương ứng với từng loại hình cơ quan báo chí. Ngoài ra, Dự án Luật cũng cần quan tâm đến mô hình tập đoàn/tổ hợp truyền thông đa phương tiện hiện đang là xu hướng phát triển tất yếu của báo chí nước ta để có những quy định phù hợp.

Quanh vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như Dự án Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, Dự án Luật cần bổ sung quy định các trường hợp cơ quan Nhà nước được từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

Giấy phép trong hoạt động báo chí cũng là vấn đề Ủy ban đề nghị xem xét lại, bởi Dự án Luật quy định đến 7 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí là quá nhiều, làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí. Cần tạo điều kiện để cơ quan báo chí hoạt động sáng tạo và chủ động phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển của họ.

Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 14/11 và thảo luận tại hội trường vào ngày 26/11.
Không dàn trải chương trình mục tiêu quốc gia
Chiều 4/11, Quốc hội đã thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, tổng kinh phí huy động thực hiện 16 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 là khoảng 323.982 tỷ đồng. Tuy nhiên, các ĐB cho rằng, số vốn này còn thấp và chưa hợp lý, ngân sách T.Ư vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các nguồn vốn khác đạt tỷ lệ thấp so với mức vốn đã được phê duyệt. Chỉ tiêu đạt được của một số chương trình còn thấp so với kế hoạch, thể hiện hiệu quả đầu tư chưa cao, dàn trải, thiếu tập trung.
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên duy trì 2 chương trình mục tiêu quốc gia là nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong kế hoạch 5 năm tới, vì 2 chương trình này cũng hội đủ các mục tiêu của 14 chương trình còn lại. Cách phân bổ ngân sách T.Ư cho địa phương làm nông thôn mới cũng phải thay đổi, đồng thời cũng không chia bình quân, cào bằng cho các tỉnh mà chỉ tập trung cho các xã khó khăn để làm. Cắt bớt các nhu cầu chi không cần thiết, không đúng để tập trung thực hiện cho được 2 chương trình mục tiêu quốc gia này.