Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch FED hứng búa rìu dư luận với kế hoạch bơm 600 tỷ USD

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ giới đầu tư và chính trị gia tại Mỹ, tới báo chí Trung Quốc và các quan chức tài chính trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), tất cả đầu đã lên tiếng phê bình Chủ tịch FED về kế hoạch mạnh tay bơm tiền.

KTĐT - Từ giới đầu tư và chính trị gia tại Mỹ, tới báo chí Trung Quốc và các quan chức tài chính trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), tất cả đầu đã lên tiếng phê bình Chủ tịch FED về kế hoạch mạnh tay bơm tiền.

Với việc quyết định chi 600 tỷ USD để mua trái phiếu trong 8 tháng nhằm hỗ trợ tăng trưởng, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã hứng chịu sự chỉ trích nặng nề từ nhiều phía. Tuy nhiên, ông Bernanke khẳng định, với động thái bơm tiền, FED không phải là đang cố tình tạo lạm phát.

Từ giới đầu tư và chính trị gia tại Mỹ, tới báo chí Trung Quốc và các quan chức tài chính trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), tất cả đầu đã lên tiếng phê bình Chủ tịch FED về kế hoạch mạnh tay bơm tiền.

Một bài báo đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc phát hành hôm nay (8/11) cho rằng, việc nước Mỹ ồ ạt in tiền là một dạng thao túng tỷ giá gián tiếp, có thể dẫn tới một đợt xung đột mới giữa các đồng tiền và thậm chí là sự suy sụp của kinh tế toàn cầu. Bài bình luận đăng trên trang nhất của tờ báo này nhận định, chính sách nới lỏng định lượng của Mỹ gây hại cho Trung Quốc và cho cả thế giới.

“Về bản chất, đây là sự gia tăng cung tiền ngoài tầm kiểm soát, tương đương với thao túng tỷ giá hối đoái một cách gián tiếp”, tác giả bài báo, Giáo sư Shi Jianxun thuộc Đại học Tongji ở Thượng Hải, nhận xét. “Xung đột tỷ giá hối đoái chính là xung đột thương mại, và nếu điều này châm ngòi cho chiến tranh thương mại, sẽ không chỉ nền kinh tế toàn cầu bị đe dọa. Thậm chí, kinh tế thế giới sẽ lâm vào cảnh suy sụp… và lợi ích của tất cả các bên sẽ bị gây hại”, ông Shi viết.

Theo Reuters, trước đó, nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản đối FED. Thứ Sáu tuần trước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải cho rằng, động thái của FED sẽ làm gia tăng tình hình bất ổn tài chính tại Trung Quốc và các quốc gia khác.

Bài báo trên Nhân dân Nhật báo cũng khẳng định, chính sách của FED sẽ làm tăng áp lực lạm phát lên Trung Quốc và các quốc gia chủ nợ công nước ngoài khác, đồng thời gây “thiệt hại lớn” đối với dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Bắc Kinh nắm giữ 2,65 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối tính tới cuối tháng 9 vừa qua, trong đó trái phiếu kho bạc Mỹ chiếm một tỷ lệ lớn.

Ngoài ra, tác giả Shi của bài báo còn cho rằng, số tiền mà nước Mỹ in thêm sẽ đổ vào các định chế tài chính và chảy ra nước ngoài, tạo nguy cơ hình thành bong bóng tài sản và lạm phát. Ông Shi nhận định, chính sách in tiền của nước Mỹ là “vô trách nhiệm”.

Bên cạnh Trung Quốc, Đức cũng là một quốc gia có thái độ phê phán mạnh mẽ đối với chính sách tiền tệ của FED. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble gọi chính sách tiền tệ của Mỹ là “vô căn cứ”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nam Phi Pravin Gordhan thì cho rằng, động thái bơm tiền của FED “xói mòn tinh thần hợp tác đa phương mà các nhà lãnh đạo G20 đã nỗ lực để duy trì trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính”.

Những nhận định trên được đưa ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul, Hàn Quốc, vào các ngày 11-12/11 này. Dự kiến, chủ đề tỷ giá sẽ tiếp tục “nóng” trong cuộc họp này.

Không chỉ chịu sự chỉ trích từ bên ngoài nước Mỹ, chính sách của FED còn vấp phải sự phản đối ngay ở trong nước, nơi nền kinh tế đang phục hồi èo uột với tốc độ 2% và tỷ lệ thất nghiệp “kẹt” ở mức 9,6%. Chủ tịch FED tại Kansas, ông Thomas Hoenig, và một số quan chức khác trong FED đã lo ngại việc mua trái phiếu sẽ hại nhiều hơn lợi, vì có thể châm ngòi cho lạm phát bùng nổ một khi nền kinh tế lấy lại đà phục hồi mạnh. Ông Hoenig đã bỏ phiếu chống quyết định bơm tiền lần này của FED.

Nhà đầu tư nổi tiếng Jim Rogers của Mỹ thậm chí còn cho rằng, với việc in tiền, Chủ tịch FED là người “không hiểu gì về kinh tế”. Phát biểu ngày hôm 4/11 tại trường đại học Oxford, ông Rogers, nói: "Thật đáng tiếc là ông Bernanke không hiểu gì về kinh tế, ông ấy không hiểu về tiền tệ cũng như tài chính… Ông ấy chỉ biết mỗi việc in tiền".

Mới đây nhất, vào ngày 7/11, Hạ nghị sỹ Cộng hòa Paul Ryan, người được dự báo là sẽ trở thành Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ, nhận xét, nỗ lực kích thích tăng trưởng bằng cách bơm 600 tỷ USD vào nền kinh tế của FED là một sai lầm và sẽ châm ngòi cho lạm phát. “Tôi cho rằng, chính sách này sẽ gây ra lạm phát cao trong tương lai”, Reuters dẫn lời ông Ryan.

Về phần mình, Chủ tịch FED Bernanke hôm 6/11 đã lên tiếng bảo vệ chính sách của mình. Ông khẳng định, việc bơm thêm 600 tỷ USD vào thị trường sẽ không châm ngòi cho lạm phát bùng nổ. “Không có chuyện chúng tôi đang tìm cách tạo lạm phát. Mục đích của chúng tôi là bổ sung sự kích thích nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi và tránh nguy cơ thiểu phát”, ông Bernanke nói.

“Chúng tôi theo đuổi mục tiêu ổn định giá cả. Tôi đã phủ nhận bất kỳ quan điểm nào cho rằng chúng tôi sẽ làm lạm phát gia tăng tới mức không bình thường”, Chủ tịch FED bổ sung.

Theo ông Bernanke, nước Mỹ đã ở trong tình trạng lạm phát quá thấp kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra. Ông cũng cho rằng, nước Mỹ không nên hài lòng với tình trạng hiện nay của nền kinh tế, khi mà cả tốc độ tạo việc làm và lạm phát cùng ở dưới mức mong muốn, thậm chí có xu hướng giảm dần. Ông khẳng định, đây là cơ sở để FED phải hành động và đưa ra chính sách bơm tiền sau cuộc họp ngày 2-3/11.