Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân – Cầu Giấy

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/5, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc và các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân – Cầu Giấy trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

 Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân – Cầu Giấy

Báo cáo với cử tri hai quận Cầu Giấy và Thanh Xuân về dự kiến nội dung kỳ họp thứ chín diễn ra từ 20/5 đến 19/6, đại biểu Nguyễn Phi Thường - Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ họp thứ 9 dự kiến diễn ra 2 đợt. Đợt 1, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, TP (từ ngày 20/5 đến 4/6); đợt 2, họp tập trung tại nhà Quốc hội (từ ngày 10/6 đến 19/6).  

Tiếp đó, đại biểu Đào Tú Hoa (Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân Tối cao) trình bày báo cáo trả lời kiến nghị cử tri ở kỳ tiếp xúc trước.

Tại cuộc tiếp xúc, các ý kiến đều đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, cùng với sự tin tưởng, đồng lòng của Nhân dân trong nỗ lực dập dịch. Dịch Covid là phép thử về sự đoàn kết của Nhân dân. Mặc dù ảnh hưởng đến kinh tế, nhưng người dân đã thực hiện nghiêm túc, trong thời gian cách ly xã hội không kinh doanh, bán hàng không thiết yếu. Nhà nước đã quan tâm, có các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội.

“Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân đã đồng lòng, góp sức ủng hộ cho những người làm công tác chống dịch. Tại phường Kim Giang, Nhân dân đã quyên góp, ủng hộ 150 triệu đồng. Qua đợt dịch này, cử tri đề nghị có hình thức khen thưởng, tặng thưởng xứng đáng cho các tập thể, cá nhân làm công tác chống dịch. Đối với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ý kiến các cử tri đã đến được với Quốc hội, tuyến đường đã được nâng cấp, rải thảm nhựa, nhất là trên địa bàn quận Thanh Xuân có tuyến đường Nguyễn Trãi, người dân rất hài lòng. Tuy nhiên, tuyến đường sắt đô thị cần sớm đưa vào hoạt động” – cử tri Phạm Sông Thao (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) chia sẻ.

 Cử tri quận Thanh Xuân nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri

Cử tri Lê Đình Can (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) đề nghị cần xử lý nghiêm minh, tăng tình tiết tăng nặng đối với các trường hợp chống đối, cố tình làm trái với đường lối chống dịch Covid-19. Đối với các tổ dân phố sau khi sáp nhập, cần bố trí thêm 1 tổ phó tổ dân phố, để còn san sẻ công việc, thay thế khi tổ trưởng có việc bận đột xuất.

Trong khi đó, Cử tri Nguyễn Chí Cường (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) kiến nghị bàn giao 2 trường mầm non do phía quân đội quản lý trên địa bàn; nếu không bàn giao thì đề nghị bố trí quỹ đất để xây dựng trường mầm non vì hiện tại trên địa phường chưa có trường mầm non.

Ngoài ra, các cử tri cũng cho rằng, Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17/4/2015, của Bộ Chính trị "về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức" là rất kịp thời, trong quá trình triển khai thực hiện đã có điều chỉnh, cần tiếp tục làm tiếp. Song cũng đề nghị Quốc hội xem xét đặc thù đối với Hà Nội. Việc kiêm nhiệm chức danh cũng vậy, cần cân nhắc, bí thư kiêm trưởng ban mặt trận, thì chức năng giám sát khó khăn.

 Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ sự cảm kích, xúc động trước những ý kiến trí tuệ, tâm huyết của các cử tri về các vấn đề của đất nước cũng như đã theo dõi rất kỹ, nhận xét xác đáng về hoạt động của Quốc hội. Đa số các cử tri nghiên cứu kỹ, chất lượng ý kiến cao, phản ánh đúng thẩm quyền của Quốc hội và TP. Đồng chí khẳng định, Đoàn Đại biểu Quốc hội trân trọng tiếp thu, chuyển toàn bộ các ý kiến đến Quốc hội.

 Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, đất nước vẫn đang tiếp tục đẩy lùi, phòng ngừa dịch bệnh, nên Quốc hội cũng đổi mới cho phù hợp. Việc tiếp xúc cử tri cũng tổ chức tập trung hơn, nhưng số lượng ít hơn. Kỳ họp Quốc hội cũng vậy, một nửa là họp trực tuyến, thời gian còn lại, cần biểu quyết trực tiếp sẽ họp tại hội trường. Kỳ họp lần này dành thời gian cho các đại biểu bàn phương án, khắc phục sau dịch, nên Quốc hội không chất vấn trực tiếp tại kỳ họp mà chất vấn bằng văn bản, trả lời bằng văn bản.

“Các ý kiến đều khẳng định kết quả công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn, là niềm tự hào đối với Đảng và Nhà nước, nhưng cũng có vai trò rất cao của Nhân dân, nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu bài học chống dịch của Việt Nam. Đối với lực lượng chống dịch, sẽ có hình thức khen thưởng xứng đáng, cũng như xử lý nghiêm các vi phạm trong phòng, chống dịch, quan điểm của TP cũng như vậy. Với TP Hà Nội, bên cạnh những chính sách kịp thời, Hà Nội đã thành lập 13 khu vực cách ly, tiếp nhận cách ly, như ngày 6/5, đã có 300 công dân từ nước ngoài trở về. Hà Nội đã có các quyết định hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng ảnh hưởng do dịch Covid-19, đồng thời, tiếp tục rà soát thêm các đối tượng để hỗ trợ tối đa cho các đối tượng chịu ảnh hưởng trên địa bàn” – đồng chí chia sẻ.

Trao đổi làm rõ thêm một số nội dung, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đối với việc triển khai sáp nhập thôn, tổ dân phố, các chức danh kiêm nhiệm, khi đang triển khai đề án, Thành ủy đã lắng nghe ý kiến các địa phương. Đa số các tổ dân phố có hơn 300 hộ, TP Hà Nội đã kiến nghị có 1 tổ phó dân phố, đối với tổ có hơn 600 hộ thì kiến nghị có 2 tổ phó. Đối với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, chủ đầu tư là Bộ GTVT, đã bố trí nguồn vốn trả nợ. Hà Nội đã thành lập tổ công tác để thúc đẩy nhanh tiến độ, HĐND TP đã thông qua chủ trương để kết nối tuyến này.