Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu: Cần sớm giải quyết vướng mắc về thực thi Luật Nhà ở

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tháng 7 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 66/2021/NQ-CP về vấn đề xây dựng luật. Nghị quyết này góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó vấn đề liên quan đến Luật Nhà ở, có tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản (BĐS) đang được đặc biệt quan tâm, giúp DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Thưa ông, Nghị quyết 66/2021/NQ-CP yêu cầu các bộ, ngành tập trung rà soát, điều chỉnh các luật đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
- Có thể khẳng định, Nghị quyết 66/NQ-CP mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh: “... làm rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, tạo chuyển biến quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng bộ, cơ quan, đơn vị được giao xây dựng pháp luật”. Đây là lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, sự đổi mới rất thiết thực.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu.
Sau khi ban hành Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã gửi Công điện chỉ đạo và chủ trì cuộc họp về thể chế pháp luật với các bộ, ngành liên quan. Yêu cầu ưu tiên nguồn lực rà soát, điều chỉnh ngay 29 luật đang gây ảnh hưởng tới đầu tư, kinh doanh, làm căn cứ đề xuất Quốc hội thông qua Đề án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật, để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, ngăn ngừa hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật.
Chúng tôi đang rất kỳ vọng điều đó sẽ thay đổi những bất cập về luật, trong đó có vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS, đất đai nằm trong quy định của Luật Nhà ở.
Những “bất cập” về quy định của Luật Nhà ở ông muốn nói đến ở đây cụ thể là gì?
- Một trong những vấn đề lớn nhất liên quan đến Luật Nhà ở đó là vướng mắc về công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất trong suốt giai đoạn 2015 - 2020, theo đó chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khi có quyền sử dụng đất 100% đất ở tại dự án.
Đầu năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014, chỉ nới “nút thắt” cho thêm 1 trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác. Nhưng vẫn loại bỏ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thuộc trường hợp được Luật Đất đai 2013 cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhà ở, vì vậy vẫn gây ách tắc tất cả dự án sở hữu đất khác không phải là đất ở.
Bên cạnh đó, còn tồn tại vướng mắc về việc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, vì không nêu rõ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào sẽ ban hành văn bản công nhận chủ đầu tư. Đáng quan ngại, những dự án nhà ở xã hội, đang được Nhà nước đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều cơ chế nhằm thu hút DN vào đầu tư cũng gặp khó khăn tương tự.
Những vướng mắc về quy định pháp luật khiến nhiều dự án không thể triển khai xây dựng.
Để giải quyết những vướng mắc trên cần phải tập trung xử lý như thế nào, thưa ông?
- Theo số liệu thống kê từ HoREA, chỉ tính riêng trong 3 năm đầu thực thi Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở, riêng TP Hồ Chí Minh ghi nhận 126 dự án nhà ở thương mại không được công nhận chủ đầu tư do không có quyền sử dụng đất 100% đất ở. Gây thất thu cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng tiền sử dụng đất và các loạt thuế phí khác.
Trước mắt, đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP cho phép công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất và các loại đất khác không phải đất ở phù hợp quy hoạch, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Quy định chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.
Đối với dự án nhà ở xã hội, căn cứ điểm d khoản 2 Điều 7 Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 quy định chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP) về xác định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, thống nhất với khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 quy định chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Về lâu dài, đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét xây dựng lại Luật Nhà ở (mới), để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách của Đại hội Đảng lần thứ XIII về phát triển đô thị, nhà ở giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xin cảm ơn ông!

"Từ đầu năm 2021 đến nay, Chính phủ đã ban hành 2 văn bản quan trọng sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề liên quan đến hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, gồm: Nghị định 30/2021/NĐ-CP và Nghị định 49/NĐ-CP. Về cơ bản đã tháo gỡ nhiều khó khăn trong quá trình thực thi, nhưng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải giải quyết.

Nghị quyết 66/2021/NQ-CP được ban hành đúng vào thời điểm thị trường đang gặp khó khăn nhất từ trước đến nay, kỳ vọng với sự sửa đổi, bổ sung những vướng mắc từ các văn bản luật, trong thời gian tới sẽ giúp cho DN sớm được vực dậy do ảnh hưởng của dịch Covid-19." - Luật sư Trịnh Hữu Đức - Hội Luật gia Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần