Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch nước gặp mặt 100 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), ngày 11/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt hơn 100 "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2014.

Báo cáo Chủ tịch nước về tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm, cả nước có 53.000 doanh nghiệp thành lập mới, 11.872 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại; 48.330 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi đã tăng từ 29,7% lên 32,9%. Phần lớn các kiến nghị vướng mắc của doanh nghiệp được các Bộ, ngành quan tâm giải quyết. Nhiều địa phương đã thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.

Trong không khí thân mật, các đại biểu đã kiến nghị với Chủ tịch nước tạo điều kiện để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, ưu đãi thuế; tạo bình đẳng giữa tập đoàn lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua chỉnh sửa hệ thống văn bản pháp luật về kinh doanh, có lộ trình đối với việc tăng lương tối thiểu cho người lao động để đảm bảo hài hòa quyền lợi người lao động và duy trì sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần điều chỉnh những tiêu chuẩn về tín dụng trong các chính sách để doanh nghiệp tiếp cận được. Cùng với tăng cường vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong phản biện, giám sát, nhiều đại biểu đề nghị chuyển giao một số dịch vụ công cho các hiệp hội doanh nghiệp đảm đương nếu xét thấy phù hợp.

Lắng nghe nguyện vọng của các đại biểu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, kinh tế đất nước đang ở giai đoạn khó khăn nhất sau đổi mới. Dù khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện. Niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh dần được khôi phục.

Chủ tịch cho rằng, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập đầy đủ. Bối cảnh cạnh tranh gay gắt, buộc hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp Việt Nam hội tụ thêm nhiều nội lực mạnh mạnh mẽ mới có thể cạnh tranh được với các đối tác đến từ các nền kinh tế lớn.

Ghi nhận và chia sẻ với kiến nghị của các doanh nghiệp, Chủ tịch đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hồi phục và vươn lên. Chủ tịch cho rằng, các doanh nghiệp nên tạo lập kênh thông tin qua báo chí và trang mạng điện tử để bày tỏ, kiến nghị vướng mắc kịp thời với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò là trụ cột trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng Đảng, Nhà nước nâng sức mạnh của nền kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành giàu mạnh.