Dự lễ trao tặng còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội... cùng đông đảo nghệ sĩ.
Tôn vinh 389 nghệ sĩ
Sáng 6/3, hàng trăm nghệ sĩ tề tựu tại lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Từ sáng sớm, không gian Nhà hát Lớn Hà Nội đã đầy ắp nụ cười, ánh mắt hân hoan của các nghệ sĩ đến từ nhiều vùng miền, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, tiếp nối qua nhiều thế hệ cùng hội tụ.
Phát biểu tại Lễ trao tặng danh hiệu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, NSND, NSƯT thực sự là “vốn quý của đất nước,” dù ở lứa tuổi nào, thành phần dân tộc nào cũng đều đã đóng góp quý báu cho nền văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, đất nước đang trong giai đoạn phát triển mới với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao. Văn hóa đóng vai trò là nền tảng tinh thần xã hội, là một trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững mà nghệ thuật là “lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, so với các lần xét tặng trước, công tác xét tặng các danh hiệu vinh dự lần này có nhiều điểm mới. Nghị định số 40/2021/NĐ-CP đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ sĩ. Trong đó, quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn giải thưởng trong danh hiệu; bổ sung việc xem xét, xét tặng danh hiệu cho đối tượng có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; quy định rõ cách tính thời gian hoạt động chuyên nghiệp.
Tiếp tục say mê cống hiến
Cùng với niềm vui, sự hân hoan, tại buổi lễ trao danh hiệu NSND, NSƯT còn có nhiều câu chuyện ý nghĩa về mong muốn cống hiến cho nghệ thuật của các nghệ sĩ.
Vợ chồng nghệ sĩ Thu Huyền - Tấn Minh cùng vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý NSND. Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, NSND Thu Huyền cho biết: “Ở Nhà hát Chèo Hà Nội có chủ trương rất đúng đắn là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nghệ sĩ trẻ được cống hiến và tỏa sáng ở trên sân khấu. Nên vậy, tôi vừa là một nghệ sĩ vừa là một người quản lý, tôi sẽ tiếp tục cố gắng động viên, truyền cảm hứng, năng lượng nhiệt huyết và kinh nghiệm của mình để cho các em hoàn thiện bản thân, nâng cao kỹ năng giúp các em có thể tỏa sáng nhất trên sân khấu".
Còn NSND Tấn Minh bày tỏ: "Trong thời gian tới, tôi sẽ cùng với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên tài năng, ban lãnh đạo nhiệt tâm của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long tiếp tục mang đến cho công chúng nhiều chương trình nghệ thuật với những góc nhìn đa chiều, giúp khán giả có cái nhìn toàn cảnh về nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam nói chúng và Hà Nội nói riêng trong thời kỳ mới. Đồng thời, đảm bảo tính kế thừa, phát huy tài năng người nghệ sĩ, đem văn hóa Việt Nam giới thiệu rộng rãi hơn nữa với Nhân dân trong nước, đặc biệt là khán giả trẻ và bạn bè quốc tế".
Cũng tại buổi lễ, có những gia đình nhiều thế hệ cùng chung vui. Trong lễ trao tặng, mẹ của NSND Tự Long là nghệ sĩ Minh Phức (Nguyễn Thị Phức) có tên trong danh sách các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2024.
Buổi lễ còn có sự xuất hiện của NSƯT Đức Trung và con trai - diễn viên Lê Tuấn Anh - cùng có tên trong đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10. Họ là cặp cha con duy nhất cùng có mặt trong danh sách. NSND Đức Trung sinh năm 1939. Ông là một trong những nghệ sĩ lớn tuổi nhất trong đợt trao tặng danh hiệu lần này. Diễn viên Lê Tuấn Anh được phong NSƯT.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương, tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa nghệ thuật và các nghệ sĩ; tiếp tục quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật nước nhà phát huy tài năng, sáng tạo nghệ thuật, say mê cống hiến với ý thức đầy đủ về khó khăn, thách thức và cơ hội trong phát triển, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước cũng đề nghị các cơ quan, bộ, ngành, địa phương có chính sách phù hợp để chăm lo các nghệ sĩ, đảm bảo để các nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề. Coi trọng công tác bồi dưỡng tài năng trẻ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đang thiếu hụt lớp kế cận.
Lễ trao danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 tôn vinh 389 nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Trong đó, có 125 nghệ sĩ được trao tặng, truy tặng NSND; 264 nghệ sĩ được tặng, truy tặng danh hiệu NSƯT.
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng được trao tặng danh hiệu NSND như các nghệ sĩ: Trần Lực, Quốc Khánh, Hà Thủy, Bùi Công Duy, Đức Trung, Trung Đức...
NSND cao tuổi nhất là NSND Hùng Minh - diễn viên cải lương TP Hồ Chí Minh (SN 1930). NSND trẻ tuổi nhất là NSND Hoài Thu - diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội, NSND Hồ Ngọc Trinh - diễn viên Nhà hát Cải lương Long An (SN 1984).