Đề xuất sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
Năm 2024, Quốc hội đã chọn giám sát tối cao 2 chuyên đề là: “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” (báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7) và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” (báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn 2 chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Tại hội nghị, các ý kiến đều khẳng định, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố khẳng, với phương châm không ngừng đổi mới, công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, sự bài bản, khoa học, chất lượng và hiệu quả của các chương trình giám sát của Quốc hội đã lan tỏa, tạo động lực, hướng dẫn hiệu quả hoạt động của HĐND các địa phương, trong đó có HĐND các cấp của TP Hà Nội.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đây là nội dung quan trọng, trong đó quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, nhất là việc thực hiện các công việc phát sinh giữa 2 kỳ họp HĐND. Quy định cụ thể về các đối tượng có trách nhiệm trả lời chất vấn, giải trình của HĐND là Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc có liên quan, để các nội dung chất vấn, nội dung giám sát được xem xét đồng bộ, thấu đáo và hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu để luật hóa các quy định, chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không đầy đủ, cố tình kéo dài thời gian thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát.
Liên quan vấn đề này, một số ý kiến cũng nhận định, sau 7 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân. Hoạt động giám sát có nội dung chưa gắn kết chặt chẽ với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; một số hoạt động giám sát đã được quy định nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả; một số hoạt động giám sát chưa có hướng dẫn chi tiết dẫn tới còn khó khăn trong tổ chức thực hiện… Do đó, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là thực sự cần thiết.
Quan tâm hơn nữa đến thực hiện kết luận sau giám sát
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nhiệm vụ quan trọng luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm quán triệt chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện. Thông qua các hoạt hoạt động giám sát đã phát hiện chấn chỉnh và có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót hạn chế vi phạm và hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng kiến nghị, các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội có phạm vi rộng, để đạt được hiệu quả cao cần có sự định hướng gọn hơn về phạm vi, có trọng tâm, trọng điểm hơn, giúp nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội.
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc và có trách nhiệm các kế hoạch, chương trình, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề trong năm 2024; đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong phần trách nhiệm của mình để việc giám sát ngày càng tốt hơn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong năm 2023 Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để tiếp tục tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đã xác định đây là một nội dung trọng tâm và then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhận định, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là một điểm sáng trong tổ chức giám sát của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong quá trình tổ chức thực hiện đều đã tạo ra chuyển biến rất lớn và cũng cùng với Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai giám sát chuyên đề. Hoạt động tái giám sát được quan tâm nhiều hơn, theo đến cùng các vấn đề. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm để thu hút được sự quan tâm đặc biệt, không chỉ đại biểu Quốc hội mà còn của đông đảo cử tri và Nhân dân đánh giá.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, công tác giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND tiếp tục được quan tâm thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND. “Nhiều đại biểu đã chỉ ra đã có một làn sóng tươi mới và một khí thế cũng như kết quả mới trong hoạt động của các cơ quan dân cử địa phương, HĐND các cấp, trong đó nổi lên là hoạt động giám sát khá đồng đều”- Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
"Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý; những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn. Do đó, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung được xác định là một trong các khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực hoạt động của Quốc hội" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong công tác giám sát như xác định trách nhiệm trong giám sát, còn tình trạng nể nang, né tránh; công tác phối hợp cơ bản tốt nhưng vẫn còn những lúc vướng mắc khó khăn; giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và nhất là của đại biểu Quốc hội chưa có nhiều.
Nhất mạnh bối cảnh của năm 2024 là năm chuẩn bị cho đại hội các cấp, tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, do đó công tác phối hợp phải hết sức cân nhắc để vừa đạt được yêu cầu mục tiêu giám sát, vừa đỡ ảnh hưởng đến địa phương, cơ sở.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ một số trọng điểm trong hoạt động giám sát của năm 2024. Theo đó, tập trung cao độ cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; sẽ ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên tịch để tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Các Đoàn giám sát chuyên đề cần tận dụng tối đa các tài liệu hồ sơ sẵn có về sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung là liên quan đến vấn đề giám sát, nhất là những nội dung mà trong quá trình thảo luận để thông qua các luật sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này hoặc là tại kỳ họp. Tập trung vào giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và nhất là khâu tổ chức thực thi để luật và các chủ trương đi vào cuộc sống và thực hiện nghiêm.
Đối với các hình thức giám sát khác, tiếp tục nghiên cứu cách thiết tiến hành chất vấn tại các kỳ họp và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; làm tốt chất vấn giữa nhiệm kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về thẩm tra các báo cáo phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, trên cơ sở sử dụng tối đa các hoạt động giám sát thường xuyên của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, các nguồn thông tin, tài liệu khác.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội. Chú trọng tăng cường giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội gắn với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội….
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát có tác động quan trọng không chỉ liên quan đến chất lượng của hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà còn liên quan đến toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh và thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.