Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Quốc hội: Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Hoàn thành 49,6% tổng số nhiệm vụ lập pháp đề ra

Trong Trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngay sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án Định hướng và ban hành Kết luận số 19-KL/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ lập pháp. Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 (ngày 5/11/2021) về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức triển khai thực hiện với 137 nhiệm vụ lập pháp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ chủ trì hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ chủ trì hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Sau 9 tháng triển khai Kết luận số 81, đã hoàn thành 49,6% tổng số nhiệm vụ lập pháp đề ra. Trong số các nhiệm vụ đã hoàn thành, được đề xuất, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết và đã được thông qua hoặc đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh có nhiều văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid - 19, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của Nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn và bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19.

Theo Kế hoạch còn 69/137 nhiệm vụ lập pháp cần tiếp tục thực hiện.

 

Từ đầu năm 2022 đến nay, Quốc hội đã thông qua 6 luật, 8 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 pháp lệnh, 2 nghị quyết; tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến 6 dự án luật. Đối với các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến, ngay sau kỳ họp Quốc hội, các cơ quan đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý. Đến nay, đã có 5/6 dự án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới thiết thực, hiệu quả trong công tác lập pháp như: Linh hoạt, sáng tạo tổ chức các kỳ họp theo hình thức trực tuyến và kết hợp trực tuyến với trực tiếp; tổ chức kỳ họp bất thường xem xét, kịp thời quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách do thực tiễn cuộc sống và yêu cầu phát triển đặt ra; sửa đổi ngay một số luật để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quochoi.vn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian hơn, tập trung xem xét, cho ý kiến kỹ đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và có kết luận cụ thể về từng dự án làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức tiếp thu, chỉnh lý.

Để bảo đảm hoàn thành thắng lợi Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, các cơ quan, tổ chức phải quyết liệt chỉ đạo, có giải pháp cụ thể và tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Đối với 32 nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết, đề nghị các cơ quan khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật theo quy định để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo tiến độ, trong đó cần chú trọng bảo đảm chất lượng, tránh phải chuẩn bị lại vì chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đối với 44 nhiệm vụ lập pháp có tiến độ hoàn thành trước ngày 31/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục chủ động triển khai thực hiện, bám sát các yêu cầu; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án giải quyết…

Tiếp tục triển khai các giải pháp đổi mới đã được thực tiễn kiểm nghiệm, có hiệu quả nhằm đẩy nhanh tiến độ xem xét, cho ý kiến và thông qua luật, nghị quyết tại kỳ họp Quốc hội, tạo cơ sở để rút ngắn thời gian tiến hành kỳ họp nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả và nâng cao chất lượng của công tác lập pháp; nghiên cứu đưa vào Nội quy kỳ họp Quốc hội, hướng dẫn thực hiện các khâu của quy trình xây dựng pháp luật hợp lý để thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Phối hợp chặt chẽ, không phân biệt “quyền anh, quyền tôi”

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, thống nhất về yêu cầu, nội dung triển khai công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra các tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Đồng thời, đánh giá những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2022, năm 2023; từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị để hoàn thành việc thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ý nghĩa của Kết luận số 19-KL/TW về Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV của Bộ Chính trị. Đồng thời, điểm lại những kết quả đã đạt được sau gần một năm qua, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp, đồng hành giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan trình rất chặt chẽ, không phân biệt “quyền anh, quyền tôi”. Chức trách nhiệm vụ của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra vẫn rành mạch, quan điểm vẫn giữ vững, nhưng các cơ quan cộng đồng trách nhiệm với nhau, cùng nhau thảo luận, xem xét kỹ lưỡng đến cùng. Lãnh đạo Chính phủ, các đồng chí Bộ trưởng hết sức tích cực, dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng pháp luật, không còn tình trạng “giao phó – giao cho cấp phó” như trước đây nữa”.

Do đó, “chúng ta phải tiếp tục cơ chế phối hợp từ sớm, từ xa và cộng đồng trách nhiệm, lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Theo cách thức này thì các dự án luật dù khó mấy chúng ta cũng làm được và đạt được sự đồng thuận cao”-  Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nhất trí với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tiếp tục thống nhất nhận thức và triển khai nghiêm túc 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Kế hoạch số 81; khẩn trương chuẩn bị các đề nghị xây dựng luật đối với 32 nhiệm vụ đã hoàn thành việc nghiên cứu rà soát để bảo đảm chất lượng và tiến độ, tránh tình trạng trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nội hàm, phạm vi điều chỉnh chưa thật rõ nên chưa đưa vào chương trình được. Với 69 nhiệm vụ còn lại của Kế hoạch, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức nỗ lực bảo đảm tiến độ, chất lượng, không có chuyện lùi thời hạn so với Kế hoạch.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV không chỉ “đóng khung” lại trong 137 nhiệm vụ tại Kết luận số 81 – đây chỉ là định hướng, do đó, các cơ quan, tổ chức hữu quan cần chủ động đề xuất thêm các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách khác nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cần tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng pháp luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tăng cường các phiên họp chuyên đề xây dựng luật, bố trí thời gian phù hợp để thảo luận, xem xét kỹ lưỡng; tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; đổi mới cách thức lấy ý kiến nhân dân, ý kiến chuyên gia... Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định nhất là trong việc chuẩn bị hồ sơ, đưa dự án luật, pháp lệnh vào chương trình hàng năm.

Đặc biệt, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng; xây dựng các cơ chế, quy định để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc nghiêng về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu sự đồng hành với người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Phải tiếp tục đề cao trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật nói chung và triển khai Kết luận số 19, Kế hoạch số 81...