Chủ tịch UBND TP: Chọn việc trọng tâm, dân sinh bức xúc để triển khai

Thuỷ Tiên - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu trong năm 2023, mỗi đơn vị của TP chọn 5 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, nhất là nhiệm vụ khó nhất hoặc người dân đang bức xúc nhất để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Sáng 12/12, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp, khoa học và công nghệ năm 2023 của TP.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền...

Chỉ tiêu GRDP năm 2023 tăng khoảng 7%

Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng đã công bố Quyết định số 4969/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2023 của thành phố Hà Nội.

Các đại biểu dự Hội nghị
Các đại biểu dự Hội nghị

Kế hoạch phát triển KTXH 2023 có 22 chỉ tiêu. Trong đó, GRDP tăng khoảng 7%, GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện 10,5%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; giảm 30% hộ nghèo…

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Thành phố, các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội, chỉ tiêu biên chế hành chính, sự nghiệp và dự toán ngân sách được giao, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị thuộc TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2023 cho các đơn vị trực thuộc theo quy định trước ngày 31/12/2022.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân tham luận tại Hội nghị
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân tham luận tại Hội nghị

Các quận, huyện, thị xã giao dự toán thu ngân sách đảm bảo không thấp hơn dự toán pháp lệnh do UBND TP giao; đối với các khoản thu cao hơn dự toán TP giao thì phải đảm bảo khả thi trong tổ chức thực hiện, nhất là thu tiền sử dụng đất; tránh ảnh hưởng tới cân đối ngân sách và dự toán, kế hoạch vốn cho các dự án, nhiệm vụ chi đã giao dự toán đầu năm.

Các quận, huyện, thị xã giao dự toán chi cho các đơn vị trực thuộc phải đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách thành phố Hà Nội và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025; dự toán chi đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề không thấp hơn chỉ tiêu UBND TP giao.

Đối với dự án đầu tư XDCB sử dụng vốn ngân sách cấp Thành phố, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư trên cơ sở danh mục và mức vốn được giao, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định khác liên quan; tuyệt đối không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản.

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà tham luận tại Hội nghị
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà tham luận tại Hội nghị

Đối với dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách của quận, huyện, thị xã theo phân cấp và vốn hỗ trợ của TP, UBND các quận, huyện, thị xã phân bổ dự toán chi đầu tư công tập trung, không dàn trải và đảm bảo nguyên tắc: Bố trí đủ vốn ngay từ đầu năm để hoàn ứng và thanh toán khối lượng đã thi công hoàn thành vượt kế hoạch năm 2022 đã giao thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện; phần vốn còn lại mới tiếp tục phân bổ các công trình chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm 2023, dự án chuyển tiếp hoàn thành sau 2023; không bố trí dự án khởi công mới nếu chưa bố trí đủ vốn cho thanh toán nợ xây dựng cơ bản, dự án chuyển tiếp theo tiến độ quy định và khả năng thực hiện.

Tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Nguyễn Thị Thanh Hương nêu rõ những vấn đề chủ yếu trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Quyết định số 4969/QĐ-UBND của thành phố, nhấn mạnh những vấn đề quan trọng liên quan đến thời hiệu, thời hạn giải quyết các vấn đề như giải ngân vốn đầu tư công, thanh quyết toán ngân sách, chuyển nguồn vốn đầu tư...

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu tham luận tại Hội nghị
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu tham luận tại Hội nghị

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, Kế hoạch đầu tư công năm 2023 toàn thành phố là 46.946 tỷ đồng, trong đó cấp thành phố có 26.126 tỷ đồng, cấp huyện là 19.918,9 tỷ đồng. Cấp thành phố có 238 dự án, trong đó có tới 219 dự án chuyển tiếp, 19 dự án mới.

Ngân sách TP hỗ trợ cấp huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích và xây dựng hạ tầng gồm 515 dự án. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, hiện nay toàn TP có hơn 100 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án. Đây là vấn đề cần tập trung khắc phục để kịp thời bố trí vốn.

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà lưu ý, biên chế công chức thành phố sẽ phải giảm 5% trong giai đoạn 2022-2026. Để thực hiện, trong năm 2023, các đơn vị sẽ tự điều hòa nội bộ; năm 2024, 2025 giảm 1,5% mỗi năm; năm 2026 giảm 2%. Viên chức giảm bình quân mỗi năm 2% người hưởng lương từ ngân sách trên cơ sở thu chi ngân sách của đơn vị. 13 đơn vị thí điểm chính mô hình quyền đô thị cấp phường có biên chế ổn định là hơn 2.300 người và không nằm trong phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, nhiều nơi đang thiếu biên chế, các quận phải tập trung thi tuyển bảo đảm biên chế được giao...

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, năm 2023, tổng dự toán thu nội địa của Thành phố được giao là 325.902 tỷ đồng, tăng 7,2% so với ước thực hiện năm 2022.

Có thể thấy, với mức giao dự toán tăng mạnh như trên, toàn TP sẽ phải rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN ngay cả trong điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn tham luận
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn tham luận

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, dự báo kinh tế trong nước năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi chịu tác động của những bất ổn kinh tế - chính trị thế giới; chịu ảnh hưởng bất lợi của biến động tỷ giá, lãi suất cho vay; sự khan hiếm nguồn cung cùng với sự tăng giá nhiều yếu tố đầu vào... nên việc hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 sẽ càng trở nên thách thức hơn.

Ngành thuế nhận định rất cần sự đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp - NNT trên địa bàn cũng như sự chung tay, góp sức, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị Thủ đô để hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2023.

Kinh tế phục hồi tăng trưởng nhanh, an sinh xã hội được đảm bảo

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hội nghị được tổ chức chỉ hơn 1 ngày sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 10 của HĐND TP. Điều đó cho thấy sự khẩn trương, quyết liệt, tinh thần trách nhiệm rất cao của UBND TP, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã.

Theo Chủ tịch UBND TP, năm 2022, TP triển khai các nhiệm vụ trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ và khó đoán định, đến thời điểm này, chưa nơi nào công bố hết dịch Covid-19. Ngoài ra, TP phải dành thời gian để xử lý các công việc nội chính, thanh tra, kiểm tra trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, việc thay đổi cán bộ chủ chốt của TP cũng tác động không nhỏ đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ…

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, chặt chẽ của Thành ủy, sự giám sát, quyết định kịp thời của HĐND TP, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Thủ đô Hà Nội đã đạt được rất nhiều kết quả khá toàn diện, đáng trân trọng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định, kinh tế Thủ đô tăng trưởng tốt nhờ có sự cố gắng lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trên địa bàn TP. 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định, kinh tế Thủ đô tăng trưởng tốt nhờ có sự cố gắng lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trên địa bàn TP. 

Cụ thể, kinh tế phục hồi và phát triển nhanh, các cân đối lớn được bảo đảm. GRDP phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ, quý sau tăng cao hơn quý trước,  dự kiến năm 2022 khoảng 8,89% - đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thành phố hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Theo Chủ tịch UBND TP, kinh tế tăng trưởng tốt, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của cả nước. Nội lực của nền kinh tế có sự cố gắng lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các hộ kinh doanh. Môi trường đầu tư kinh doanh đã có những cải thiện rõ rệt; góp phần ổn định giá cả, thị trường; các biến động lớn của xăng dầu dù có nhưng cũng không gây quá bức xúc trong Nhân dân, không gây xáo trộn trong đời sống Nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, công tác an sinh xã hội được đảm bảo. TP đã kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Công tác quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tạo cuộc sống bình an cho người dân, đảm bảo sự bình yên cho Thủ đô.

Bên cạnh đó, TP đã tập trung chỉ đạo những nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách và định hướng dài hạn phát triển Thủ đô: Xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Triển khai Chương trình hành động của Thành ủy, Kế hoạch của UBND TP thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;  Triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.

Thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhiệt liệt biểu dương sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô. Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TP cũng bày tỏ cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của T.Ư Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, Ban, ngành T.Ư đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ để TP Hà Nội hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị năm 2022.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm trong triển khai nhiệm vụ

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng thẳng thắn đánh giá, còn một số hạn chế yếu kém, đã được chỉ ra trong nhiều hội nghị, yêu cầu lãnh đạo đơn vị tập trung nhìn nhận và có những giải pháp khắc phục.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát động phong trào thi đua yêu nước và kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động TP phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội của TP. 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát động phong trào thi đua yêu nước và kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động TP phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội của TP. 

“Tới đây, Ban Cán sự Đảng UBND TP sẽ có kiểm điểm sâu để nhìn nhận rõ hơn những tồn tại. Tôi mong muốn các đồng chí ở các đơn vị sở ngành, quận, huyện, thị xã cùng nhận thức trách nhiệm, cùng nhau khắc phục hiệu quả những hạn chế, những vấn đề chúng ta chưa làm được, đặc biệt là vấn đề thay đổi nhận thức, các vấn đề dân sinh bức xúc… Quỹ thời gian ít, việc nhiều, con người có hạn, nguồn lực không nhiều… Nếu chúng ta không có trọng tâm, trọng điểm, thay đổi cách nghĩ, cách làm thì sẽ khó có chuyển biến tích cực” - Chủ tịch UBND TP nói rõ.  

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được năm 2022, UBND TP sẽ tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt tập trung triển khai hiệu quả, thực chất hơn nữa chủ đề công tác năm 2023: "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển".

Với tinh thần đó, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh yêu cầu ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023, các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể TP cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, với quyết tâm cao nhất, tập trung triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023.

Trong đó tập trung khẩn trương triển khai giao kế hoạch tới các đơn vị với tinh thần giao đủ, giao đúng và không thấp hơn các chỉ tiêu TP giao. Đồng thời, xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế năm 2022 và đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2023.

Gợi ý cách làm thí điểm trong năm tới, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đặt vấn đề: Mỗi sở ngành chọn 5 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, nhất là nhiệm vụ khó nhất, quan trọng nhất hoặc dân đang bức xúc nhất để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Nếu những việc này giải quyết được thì sẽ thúc đẩy các công việc khác thông suốt. Cuối năm, TP sẽ căn cứ vào đó để đánh giá, kiểm điểm.  

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai thực hiện ngay sau khi UBND TP ban hành Chương trình hành động năm 2023 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

“Dự kiến thứ Tư này, lãnh đạo thành phố sẽ ngồi lắng nghe khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô để tháo gỡ kịp thời. Vấn đề nào vượt thẩm quyền thì sẽ báo cáo Chính phủ xem xét. Rất cần cộng đồng trách nhiệm trong lúc này” - Chủ tịch UBND TP thông tin.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, với tinh thần “Thước đo thành công trong cải cách thủ tục hành chính là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó khẩn trương hoàn thiện Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung của TP (Văn phòng điện tử) và Hệ thống báo cáo của UBND TP và đưa vận hành chính thức từ tháng 01/2023.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phải quan tâm cập nhật định kỳ kết quả thực hiện chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực quản lý (171 chỉ tiêu) và chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 (22 chỉ tiêu) lên Hệ thống thông tin báo cáo của UBND TP; tuân thủ nghiêm việc báo cáo kết quả hàng tháng, quý, 6 tháng và cả năm để phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo TP.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 đã đề ra, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ như: Triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND TP, Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện các Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 07/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Cùng với đó, tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô Hà Nội năm 2012, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, TP tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô  Hà Nội; Kế hoạch xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. 

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể đảm bảo thực hiện thắng lợi dự toán thu chi NSNN năm 2023, đặc biệt là giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các thủ tục trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai.

Đặc biệt lưu ý nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công.

Phục vụ Nhân dân đón Tết an toàn, tiết kiệm, phấn khởi 

Chỉ còn hai tuần nữa là kết thúc năm 2022, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đề nghị, lãnh đạo các đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Đồng thời, chuẩn bị thật chu đáo về mọi mặt để đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự, chỉnh trang đô thị… phục vụ Nhân dân đón Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 - an toàn, tiết kiệm, phấn khởi, mọi nhà đều có Tết.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

“Bước sang năm 2023, với ý nghĩa là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; với tinh thần quyết tâm cao nhất, thay mặt lãnh đạo Thành phố, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP, tôi phát động phong trào thi đua yêu nước và kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động TP phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội theo Nghị quyết HĐND TP giao và thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2023 của TP” - Chủ tịch UBND TP phát động chủ đề năm 2023.

Các cấp, các ngành từ TP đến cơ sở tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị của Thành ủy về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn TP; tổ chức tốt các phong trào thi đua do Trung ương, TP phát động và triển khai hiệu quả Kế hoạch thi đua, khen thưởng của TP năm 2023. Đặc biệt, tập trung nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, tạo hiệu ứng tích cực và sức lan tỏa trong cán bộ và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô.

 

Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): khoảng 7,0%.

2. GRDP bình quân đầu người: khoảng 150 triệu đồng.

3. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện: 10,5%.

4. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 6,0%.

5. Chỉ số giá tiêu dùng: dưới 4,5%.

6. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước: 0,1%.

7. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng so với năm trước: 0,1%.

8. Duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

9. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: 93,5%.

10. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 43%; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 2,0%.

11. Tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 39,0%.

12. Giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố: 30% (tương đương 890 hộ, 0,04%).

13. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị: dưới 4%.

14. Tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo: 73,2%.

15. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm: 81 trường.

16. Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa": 88%.

17. Tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa": 64%.

18. Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa": 73%.

19. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch: khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 90%.

20. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày: 100%.

21. Xử lý ô nhiễm môi trường: (i) Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đã đi vào hoạt động) có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: 100%. (ii) Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%. (iii) Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%. (iv) Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: duy trì 28,8%.

22. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm: 26 xã; Số xã nông thôn mới kiểu mẫu tăng thêm: 20 xã.