Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh: Bình đẳng, dân chủ đúng pháp luật trong vận động bầu cử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã khẳng định như vậy.

Với vai trò là cơ quan làm “cầu nối”, Ủy ban MTTQ TP đã xây dựng Kế hoạch tổ chức hội nghị cử tri để người ứng cử ĐB Quốc hội Khóa XIV, ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 vận động bầu cử và đã được tổ chức quán triệt tới 100% cán bộ chủ chốt MTTQ quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Thưa ông, mục đích, yêu cầu chính của Kế hoạch này gì?

Chủ tịch Ủy ban  MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh: Bình đẳng, dân chủ đúng pháp luật trong vận động bầu cử - Ảnh 1- Kế hoạch này đã nêu chi tiết và  cụ thể. Trong đó, mục đích chính là: Tạo điều kiện cho người ứng cử gặp gỡ tiếp xúc với cử tri để vận động bầu cử: báo cáo dự kiến chương trình, hành động của mình, nếu được bầu làm ĐB Quốc hội, ĐB HĐND, đồng thời, tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với những người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử, trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện  vào cơ quan dân cử… Tinh thần chung là: Hội nghị bảo đảm công khai, dân chủ, bình đẳng và xây dựng trong vận động bầu cử, tạo không  khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa người ứng cử với cử tri và ngược lại.

Những điều lưu ý ứng cử viên không được làm ở hội nghị vận động bầu cử là gì, thưa ông?

- Các ứng cử viên không được lợi dụng bầu cử để tuyên truyền trái Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, hạ thấp uy tín cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; Không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; Không lợi dụng bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và ngoài nước cho tổ chức, cá nhân mình; Không hứa, tặng, ủng hộ tiền hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo cử tri… Đồng thời, có trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình vận động bầu cử.

Thưa ông, cơ quan nào sẽ đứng ra tổ chức hội nghị vận động bầu cử cho ứng cử viên và có điểm gì khác giữa hội nghị cho ứng cử ĐB Quốc hội và HĐND?

- Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị cho những người ứng cử ĐB Quốc hội Khóa XIV tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Còn Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị cho những người ứng cử ĐB HĐND TP, ĐB HĐND cấp mình tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Tương tự, Ban Thường trực MTTQ cấp xã phối hợp UBND cùng cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐB HĐND cấp mình vận động bầu cử. Tại các hội nghị này, chủ tọa phải thực hiện các bước: Tuyên bố lý do, giới thiệu ĐB, giới thiệu thư ký hội nghị; tiếp đó, đại diện Ban Thường trực Mặt trận (cấp tổ chức) giới thiệu và đọc tiểu sử của từng ứng cử viên. Sau đó, từng ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình, nếu được bầu làm ĐB Quốc hội, hay ĐB HĐND… Trên cơ sở chương trình hành động của ứng cử viên, cử tri sẽ trao đổi, chất vấn, đề nghị làm rõ những vấn đề cùng quan tâm.

 Xin ông nói rõ hơn, các bước chuẩn bị và tiến hành hội nghị tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên trình bày chương trình hành động của họ?

- Trước khi tiến hành hội nghị vận động bầu cử, Ban Thường trực MTTQ các cấp phối hợp với UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch hội nghị tiếp xúc cử tri. Theo đó, Ban Thường trực MTTQ cùng cấp, Ủy ban Bầu cử, UBND cùng cấp tổ chức buổi gặp mặt các ứng cử viên ĐB Quốc hội Khóa XIV và HĐND từng cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Tại đó, Ủy ban Bầu cử công bố danh sách các ứng cử viên về các đơn vị bầu cử; nghe MTTQ các cấp hướng dẫn công tác tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử…; nghe UBND cùng cấp báo cáo những nội dung cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương để trên cơ sở đó, người ứng cử căn cứ vào đó xây dựng chương trình hành động của mình, sao cho phù hợp. Thông báo bằng văn bản trước 7 ngày cho những người ứng cử ĐB Quốc hội, ĐB HĐND về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử sắp xếp thời gian, liên hệ với địa phương để đến dự hội nghị vận động bầu cử của mình. Trường hợp ứng cử viên ĐB Quốc hội và HĐND TP có nhu cầu tìm hiểu về địa phương, nơi mình ứng cử, thì UBND  cấp huyện bố trí giới thiệu tình hình kinh tế - xã hội của địa phương đó cho người ứng cử nghe.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, đòi hỏi MTTQ các cấp và các ngành, địa phương cần phối hợp tập trung thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các cấp cần tiếp tục bám sát các quy định của Luật Bầu cử, tập trung rà soát, danh sách trích ngang của các ứng cử viên, bảo đảm chính xác và yêu cầu ứng cử viên ký xác nhận vào trích ngang lý lịch của họ.

Cùng với đó, rà soát tổng hợp toàn bộ đơn thư ở địa phương, đơn vị mình về các nội dung liên quan đến ứng cử viên (nếu có), phân rõ bộ phận nào nhận, người nào nhận, chuyển đến nơi nào giải quyết và thực hiện tốt công tác lưu giữ đơn thư theo quy định; đồng thời kiểm tra, đôn đốc nơi giải quyết đơn thư, tránh tình trạng lúc công bố danh sách ứng cử viên còn tồn đơn thư. Trên cơ sở, số lượng ứng cử viên tại đơn vị bầu cử, MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị bầu cử, cùng nhau xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất, sắp xếp lịch và thông báo với ứng cử viên để tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho ứng cử viên vận động bầu cử. Đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở khu vực bầu cử để cử tri biết và đến dự… Trường hợp ứng cử viên vắng ở hội nghị vận động bầu cử, thì phải thông báo đầy đủ lý do vắng mặt của ứng cử viên.

Bên cạnh đó, MTTQ TP cần tập trung xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát các địa phương, đơn vị tổ chức bầu cử theo quy định của luật; duy trì nghiêm túc chế độ trực ban, thông tin báo cáo (từ Mặt trận TP đến cơ sở), nếu xảy ra vướng mắc gì  phải báo cáo ngay với Mặt trận TP để báo cáo Ủy ban Bầu cử TP giải quyết.

Về kinh phí hoạt động, trên cơ sở phân cấp và đề nghị của MTTQ cấp huyện, MTTQ TP sẽ có văn bản gửi Sở Tài chính, UBND và Ủy ban Bầu cử TP xem xét giải quyết theo quy định của luật.

Xin cảm ơn ông!