Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp bức xúc nhất với chi phí thủ tục hành chính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số các DN hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015 chỉ có 42% DN hoạt động có lãi.

DN giải thể có xu hướng gia tăng

Đây là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội nghị Thủ tướng với DN, đang diễn ra sáng nay (29/4). Theo ông Lộc, hiệu quả hoạt động của DN trong nước đang cho thấy bức tranh không mấy lạc quan của nền kinh tế.

Người đứng đầu VCCI cho biết, trong vòng 15 năm kể từ ngày Luật DN có hiệu lực, Việt Nam có 941.000 DN đã được đăng ký thành lập. Tuy nhiên, tính tới hết năm 2015, cả nước chỉ còn 513.000 DN hoạt động và tới 428.000 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể, chiếm tới 45,5%. Điều đáng lưu ý là đã có khoảng một nửa số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể nói ở trên diễn ra chỉ trong giai đoạn 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng. 

 
Vũ Tiến Lộc
Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI
Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của DN cũng không khởi sắc, đến cuối 2015, chỉ có 42% DN hoạt động có lãi, còn 58% số DN còn lại đều thua lỗ hoặc hòa vốn. Việc hơn một nửa DN kinh doanh không có lãi cho thấy hiệu quả hoạt động của DN còn thấp, môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn và đây là điều không bình thường, ông Lộc chia sẻ. 

Ông Lộc cho rằng, hiện tại, vấn đề khiến DN bức xúc nhất là rủi ro về chi phí thủ tục hành chính. Các DN trong nước đang phải chịu gánh nặng chi phí từ chính thức và không chính thức, đặc biệt, rủi ro trong kinh doanh cũng đang ở mức cao hơn so với các nước láng giềng.

Để tháo gỡ thực trạng trên, Chủ tịch VCCI, với số lượng điều kiện kinh doanh lên tới gần 6.000, vào ngày 1/7 tới cần công bố đầy đủ điều kiện đối với từng ngành nghề trên Cổng thông tin quốc gia về DN theo quy định của Luật DN và Luật đầu tư để DN biết và tuân thủ. Mặc khác, Thủ tướng đã yêu cầu thực hiện đúng luật DN, luật đầu tư, các Bộ có liên quan không được phép bàn lùi.

Tôi hy vọng mệnh lệnh của Thủ tướng sẽ được các Bộ trưởng thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng. Cần nhận thức chậm ngày nào là cản trở quyền tự do kinh doanh của DN, của người dân, cũng như sự phát triển của đất nước ngày đó, ông Lộc khẳng định.

Đối với liên quan đến chi phí vốn, hiện các DN đang phải vay ngân hàng với lãi suất bình quân 8,5%/năm, trong khi lạm phát chỉ ở mức 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015. Như vậy, lãi suất thực mà DN  đang phải chịu đựng là 7 – 8%/năm, mức này đang cao hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực. Có thể kể đến như lãi suất thực của Philippine là 2,2%/năm hay của Malaysia là 2,1%/năm.

Các DN đang phải gánh chịu các chi phí của cả các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như nợ công của Chính phủ. Nếu mức lãi suất thực hợp lý của người gửi tiền khoảng 2% và mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay hợp lý của hệ thống ngân hàng khoảng 2-3%, mặt bằng lãi suất hiện nay cần phải được giảm thêm 2% nữa mới là hợp lý. Vì vậy, Chính phủ nên đặt mục tiêu cụ thể giảm lãi suất thực 1-2% trong năm tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất.

Không những thế, một nhóm chi phí quan trọng khác cũng cần được xem xét  cắt giảm là thuế và phí, bỏ thuế khoán thay vào đó là thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế môn bài cho DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Các khoản thuế, phí ở Việt Nam hiện đã chiếm tới 40,8% lợi nhuận của DN. Đây là mức huy động thuộc loại cao nhất trong khu vực, ông Lộc nói.

5 năm tới là 5 năm khởi nghiệp

Để cải thiện tình hình kinh doanh trong nước, ông Lộc cho rằng trong thời gian 5 năm tới cần được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, cả nước tập trung toàn lực phát triển DN. Chính phủ cần ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN, Chủ tịch VCCI kiến nghị

Để làm được điều này Chính phủ cần tiếp tục đặt ưu tiên vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn, giảm tối đa chi phí và giảm thiểu rủi ro cho DN, đổi mới tư duy toàn diện bộ máy hành chính ở Trung ương và địa phương để nhất quán nhận thức đúng và thực hiện đầy đủ tinh thần chính quyền phục vụ dân và DN.

Chỉ có như vậy mới không lặp lại vụ việc không thể chấp nhận được trong một nhà nước pháp quyền như trường hợp quán cà phê Xin Chào mà đích thân Thủ tướng đã phải ra tay can thiệp, ông Lộc khẳng định.

Các cơ quan hành chính cần tạo điều kiện thuận lợi trên website, điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo để người dân, DN phản ánh bất kỳ biểu hiện tiêu cực nào. Nếu phát hiện có vi phạm cần xử lý ngay và nghiêm minh, đúng pháp luật để làm gương, giữ niềm tin của người dân vào pháp luật, ông Lộc đề nghị.

 
Cuộc gặp giữa Thủ tướng với doanh nghiệp được truyền hình vừa trực tiếp vừa trực tuyến, tại điểm cầu Hội trường Thống nhất TP. Hồ Chí Minh.

Số DN tư nhân tham dự là 300, 50 DN FDI và 20 hiệp hội DN như AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản… tham dự.

Mỗi điểm cầu tại 62 tỉnh thành có 50-100 đại diện DN tham dự.