Điện Biên: phát triển sản phẩm nông sản mang lại giá trị kinh tế cao
Kinhtedothi - Những năm qua, tỉnh Điện Biên tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều vùng sản xuất chuyên canh đã từng bước hình thành nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, đem lại hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu ổn định cho người dân.
Phát triển sản phẩm nông sản đặc thù
Nằm phía Đông Bắc tỉnh Điện Biên, các xã Sín Chải, Sáng Nhè, Tủa Chùa có đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng riêng, tạo nên lợi thế phát triển sản phẩm nông sản đặc thù tại địa phương, như trà shan tuyết, trà gai leo, mật ong… Đặc biệt, những năm gần đây, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia và sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp được đẩy mạnh.
Tại 2 xã Tủa Chùa và Sáng Nhè, cà gai leo là một trong những loại trà thảo mộc mới, được trồng thử nghiệm năm 2019 và phát triển mạnh từ năm 2023. Cà gai leo là một loại thảo dược có tác dụng giải độc gan. Để tiết kiệm sức lao động, người dân khoét lỗ, phủ màng bọc thực phẩm trên diện tích trồng cà gai leo. Với chi phí gần 10 triệu đồng/ha, hạn sử dụng 3 năm sẽ ít tốn công loại bỏ cỏ dại, đồng thời việc tưới tiêu, chăm sóc cây trồng dễ dàng hơn. Thời điểm hiện tại, Hợp tác xã cà gai leo Tủa Chùa đã liên kết, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, bao tiêu đầu ra cho 76 hộ dân với diện tích trên 10ha.
Theo ông Vàng A Nênh, xã Sáng Nhè, gia đình ông trồng 1ha cà gai leo, mỗi năm thu hoạch 3 lần, tổng sản lượng khoảng 60 tấn/năm, với giá trung bình 6.000 đồng/kg tươi, mỗi năm thu về trên 300 triệu đồng/ha. Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng, thu hoạch, chăm sóc cà gai leo từ hợp tác xã nên công lao động, chi phí sản xuất thấp mà hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác.

Mắc ca là cây trồng chủ lực trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp tại nhiều địa phương của tỉnh Điện Biên.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị
Giai đoạn 2022 - 2025, các xã Tuần Giáo, Quài Tở, Mường Mùn, Pú Nhung và Chiềng Sinh của tỉnh Điện Biên đã tiên phong phát triển vùng mắc ca mới với diện tích hơn 7.000ha. Các địa phương này đã xác định mắc ca là cây trồng chủ lực trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp.
Với cách làm bài bản, đồng bộ và hiệu quả, diện tích mắc ca tại các địa phương tăng nhanh qua từng năm. Cụ thể, năm 2022 trồng mới 150ha, tuy nhiên đến nay, tổng diện tích mắc ca tại các xã trên đã vượt 8.000ha, tạo thành vùng sản xuất tập trung mắc ca lớn nhất tỉnh.
Thực hiện chủ trương của xã Chiềng Sinh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2023, ông Cà Văn Hoài, người dân bản Co Đứa đăng ký chuyển đổi sang trồng 1ha mắc ca. Năm 2024 - 2025, mỗi năm trồng thêm 1ha. Tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, hiện toàn bộ diện tích đều phát triển tốt.
Từ năm 2024 xã Pu Nhi đã chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên triển khai mô hình điểm trồng cà phê. Đồng thời, xã sử dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để chuyển đổi diện tích nương kém hiệu quả sang trồng cây cà phê.
Để việc trồng cây cà phê mang hiệu quả, xã Pu Nhi đã tổ chức đoàn công tác đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại những vùng trồng cà phê trọng điểm khác. Bên cạnh đó, xã thành lập các tổ công tác đến các thôn, bản tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi đất canh tác lúa nương kém năng suất sang trồng cà phê. Đến nay toàn xã đã hình thành được gần 50ha cà phê, tạo bước khởi đầu đầy triển vọng trong hành trình xây dựng vùng chuyên canh cây trồng mới.
Năm 2024, khi xã Pu Nhi phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh triển khai mô hình điểm trồng cà phê, ông Mùa Chí Dính (bản Tìa Ló) đã đăng ký tham gia và chuyển gần 1ha đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng cà phê. Tham gia mô hình, ông Dính được hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đến nay, vườn cà phê của gia đình ông phát triển xanh tốt. Thời gian tới ông Dính dự định sẽ mở rộng diện tích trên những nương đất bạc màu.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, mỗi địa phương trong tỉnh Điện Biên đã tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế địa bàn, nhu cầu thị trường và điều kiện biến đổi khí hậu. Riêng năm 2024, trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 2.600ha sản xuất lúa, ngô kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Qua đó, đã góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Điện Biên: chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp nâng cao hiệu quả kinh tế
Kinhtedothi - Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh Điện Biên đã tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế địa bàn, nhu cầu thị trường và điều kiện biến đổi khí hậu, giúp phát triển kinh tế.

Hà Tĩnh: gần 1.300 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận VietGAP
Kinhtedothi - Tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Xuất cấp hạt giống cây trồng hỗ trợ tỉnh Yên Bái
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định 1319/QĐ-TTg ngày 1/11/2024 về việc xuất cấp hạt giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Yên Bái.