Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chú trọng giải pháp lâu dài về sinh kế cho người khuyết tật

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc làm sẽ đảm bảo cho phát triển bền vững. Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam Hoàng Phương Thảo cho biết, thời gian tới ActionAid tiếp tục Chương trình việc làm thỏa đáng cho các nhóm yếu thế nhưng nhấn mạnh kỹ thuật số, kinh tế số và hỗ trợ phụ nữ.

Thành công từ dự án người khuyết tật thực hiện

Thưa bà có thể cho biết về những dự án hỗ trợ người khuyết tật (NKT) mà Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua?

- Tổ chức ActionAid đã làm việc tại Việt Nam 30 năm và đã xác định là hỗ trợ các cộng đồng yếu thế trong xã hội có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ rất là lâu, làm việc với đối tượng NKT là một trong những ưu tiên của chúng tôi. Trong Chương trình Việc làm thỏa đáng cho các nhóm đối tượng yếu thế trong đó có NKT, Hợp tác xã Trái Tim Hồng là một trong những đơn vị được chúng tôi hỗ trợ nhiều năm nay.

Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam Hoàng Phương Thảo cho biết: Chúng tôi sẽ có các giải pháp lâu dài về sinh kế, việc làm đối với những người khuyết tật. 
Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam Hoàng Phương Thảo cho biết: Chúng tôi sẽ có các giải pháp lâu dài về sinh kế, việc làm đối với những người khuyết tật. 

Khi làm việc với NKT, chúng tôi thấy họ có rất nhiều tài năng nhưng không ít khó khăn. Tất cả họ đều toát lên một điểm chung: Chúng tôi không muốn được tiếp tục nhận từ thiện tài trợ. Chúng tôi muốn tự xây dựng cuộc sống của mình. Tổ chức ActionAid đã xác định ưu tiên trong các chương trình làm việc với NKT là hỗ trợ họ kỹ năng cũng như những kiến thức, cơ hội thị trường để có thể tiếp cận tốt hơn đối với sinh kế một cách bền vững.

Đến nay, ActionAid đã hỗ trợ cho bao nhiêu tổ chức liên quan tới NKT và tới đây sẽ là hoạt động gì, thưa bà?

- Trước hết tôi muốn nói, thực ra, khi làm việc với NKT, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, cần rất nhiều thời gian để NKT cảm thấy tự tin và tin tưởng.

Đến nay, ActionAid đã hỗ trợ khoảng 30 tổ chức của NKT với tổng số 123 người trong cả nước. Chúng tôi rất tự hào khi Hợp tác xã May mặc Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) hay Hợp tác xã Trái Tim Hồng (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) được ActionAid hỗ trợ nhiều năm đã có những thành công nhất định và tạo được việc làm cho nhiều NKT khác với mức thu nhập ổn định.

Được hỗ trợ tạo việc làm, những người khuyết tật nữ đã làm chủ sinh kế và cuộc sống của chính mình.
Được hỗ trợ tạo việc làm, những người khuyết tật nữ đã làm chủ sinh kế và cuộc sống của chính mình.

Khi làm việc với họ, chúng tôi rất trân trọng và ưu tiên NKT là phụ nữ. Vì, bình thường, NKT rất khó khăn nhưng phụ nữ khuyết tật thì khó khăn gấp đôi, gấp ba lần; bởi ngoài những trách nhiệm như một người lao động thì phụ nữ khuyết tật vẫn phải có trách nhiệm làm vợ, làm mẹ hoặc chăm sóc gia đình.

Hầu hết những NKT mà chúng tôi tiếp cận đều có các hỗ trợ rất tốt từ chính quyền địa phương cũng như chính sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay các chính sách đó mới chỉ dừng ở mức giống như là trên bề mặt, chưa đi vào gốc.

Nhiều lao động nữ khuyết tật làm việc tại xưởng may Hợp tác xã May mặc Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).
Nhiều lao động nữ khuyết tật làm việc tại xưởng may Hợp tác xã May mặc Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).

Chúng tôi cũng kỳ vọng là trong thời gian tới, đặc biệt là 5 năm nữa, ActionAid sẽ cùng làm việc với những tổ chức của NKT và các địa phương (cấp xã, huyện) trong cả nước. Chúng tôi sẽ có các giải pháp lâu dài về sinh kế, việc làm đối với những NKT mà mình tiếp cận.

Nâng cao năng lực, tạo cơ hội cho người khuyết tật

Vậy trong thời gian tới, định hướng của Tổ chức ActionAid đối với NKT sẽ đi theo chiều rộng hay chiều sâu, trao cho họ con cá hay cái cần câu?

- Thực ra, ActionAid là tổ chức nhỏ; do vậy cả về chiều sâu hay chiều rộng thì rất khó nói. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn là với những đầu tư trong 5 năm vừa qua thì sẽ còn tiếp tục hợp tác tiếp theo với các tổ chức của NKT hay những cá nhân có khả năng tập hợp NKT khác.

Có điều là hiện nay Việt Nam có rất nhiều chính sách và định hướng, cam kết chính trị của mọi người trong xã hội rất là cao. Tuy nhiên, việc thực hiện rất là khó và các nguồn lực chưa đầy đủ, ví dụ về tiếp cận vốn. Rồi, NKT học nghề không phải là 3 tháng hay 6 tháng mà có khi lâu hơn; bạn phải là người của địa phương thì mới được tập huấn hay đào tạo nghề ở đó. Có lẽ, Nhà nước nên có quy định uyển chuyển hơn để NKT dễ dàng tiếp cận học nghề, ví dụ đưa họ vào hệ thống quản lý điện tử để dễ dàng tra cứu khi muốn biết họ đã được đào tạo nghề hay chưa…

Những người khuyết tật làm việc tại Hợp tác xã Trái Tim Hồng (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).
Những người khuyết tật làm việc tại Hợp tác xã Trái Tim Hồng (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).

Trở lại câu hỏi của bạn về “trao cho NKT con cá hay cái cần câu?”, từ lâu lắm rồi ActionAid không làm cá và không làm cần câu. Chúng tôi sẽ đi nhiều vào việc nâng cao năng lực, tạo cơ hội để họ tự nắm bắt cơ hội, tự xác định cơ hội ấy với mình và với cộng đồng của mình. Cho nên chương trình của chúng tôi ít khi thực hiện với cá nhân mà triển khai với nhóm, các tập thể của NKT và gia đình họ.

Từ thực tiễn hoạt động của Tổ chức ActionAid trong những năm qua, bà có khuyến nghị gì đối với công tác chăm sóc, tạo việc làm cho NKT?

- Hiện nay các chính sách dành cho NKT đang rất nhiều, vừa thiếu vừa thừa. Do vậy, tôi nghĩ, đầu tiên là Nhà nước cần tổng hợp lại để có một cơ chế, chính sách cho NKT được tốt hơn. Thứ hai, một số chính sách cần phải cập nhật trong thời đại mới, ví dụ như chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, thuế… Đây là những chính sách rất sát sườn đối với các DN hỗ trợ cho NKT. Có một điều mà chúng tôi trăn trở chưa làm được, đó là đề xuất chính sách riêng cho NKT là nữ vì họ khó khăn hơn rất nhiều lần so với NKT nam.

Người khuyết tật có rất nhiều tài năng và họ muốn tự xây dựng cuộc sống của mình.
Người khuyết tật có rất nhiều tài năng và họ muốn tự xây dựng cuộc sống của mình.

Về phía ActionAid, chúng tôi vẫn cố gắng theo đuổi cam kết lâu dài là tạo việc làm. Bởi vì chỉ có tạo việc làm thì mới tạo ra thay đổi một cách bền vững; và NKT có vị thế của mình trong xã hội thay vì người ta cảm thấy bị thương hại hoặc bất lực. Việc làm sẽ đảm bảo cho chuyện phát triển bền vững. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục chương trình việc làm thỏa đáng cho các nhóm yếu thế nhưng sẽ nhấn mạnh hơn câu chuyện kỹ thuật số, kinh tế số và hỗ trợ cho phụ nữ.

Xin cảm ơn bà!

 

“Hiện nay, trong thời đại kinh tế số, người bình thường tìm việc làm đã rất khó khăn thì với NKT càng khó khăn hơn. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có những sáng kiến mới liên quan đến việc giới thiệu các kỹ thuật số, công cụ số để NKT có thể tiếp cận nhanh hơn với thị trường” – bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh.