Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch" hiệu quả tốt trong thực tiễn

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những con số, nhận định được đưa ra tại phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ cho thấy, chủ trương và chiến lược chuyển mục tiêu từ "không Covid-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch" đang mang lại những hiệu quả tốt trong thực tiễn. Cùng với kiểm soát dịch, những tín hiệu sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đã được thể hiện rõ, tạo nên niềm tin cho DN và người dân.

Kiểm tra thân nhiệt học sinh trường THCS Trưng Vương, huyện Mê Linh trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Phạm Hùng

Việc chấp nhận có những ca F0 phát sinh trong cộng đồng, sẵn sàng tâm thế ứng phó khi có ổ dịch bùng phát, là sự lựa chọn hiệu quả khi tỷ lệ tiêm vaccine được đẩy mạnh. Có thể thấy rằng, việc thiết lập chiến lược lâu dài, kịch bản thích ứng an toàn được chú trọng đã góp phần khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần dần đưa cuộc sống trở lại trong điều kiện bình thường mới.
Từ những số liệu được đưa ra từ phiên họp Chính phủ cho thấy, trong tháng 11/2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi, điển hình là số DN thành lập mới tăng 44,6% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 38%, lao động tăng 30,2%, đặc biệt là tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Số DN quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước. Chỉ số tăng trưởng cũng tăng hơn những tháng trước; nhiều lĩnh vực đời sống đang dần trở lại sự bình thường mới… Những kết quả này tiếp tục khẳng định ý nghĩa quan trọng, sự đúng hướng, kịp thời, hiệu quả của Nghị quyết 128/NQ-CP.
Việc nắm chắc, bám sát thực tiễn, dự báo tốt tình hình, nhất là diễn biến dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, có phương án chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra; đồng thời, kiên định, quyết tâm, quán triệt nghiêm quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể trong năm 2021, tạo nền tảng, động lực phục hồi và phát triển vững chắc từ năm 2022 là quan điểm được Chính phủ nhấn mạnh.
Nhưng như người đứng đầu Chính phủ đã lưu ý, khi dịch bệnh diễn biến còn phức tạp và dự báo có thể tiếp tục phức tạp với các biến chủng mới, số ca nhiễm mới và tử vong đang có xu hướng tăng, việc tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn vấn đề này là cần thiết. Cùng với đó, phải hết sức bình tĩnh, không lơ là, chủ quan cũng không lo sợ, hốt hoảng trong phòng chống dịch, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, công thức, phương châm phòng chống dịch đã được đúc rút, tổng kết. Tuy nhiên, điều quan trọng được nhấn mạnh lúc này là tiếp tục đề cao ý thức người dân - là động lực, là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch. Như người đứng đầu Chính phủ đã nhắc phải thực hiện nghiêm công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”.

Thực tế cũng cho thấy, “bình thường mới” trong điều kiện có dịch, quan trọng trước hết vẫn là tâm thế, thói quen sống, hành vi, ý thức phòng, chống dịch của người dân cần điều chỉnh tích cực, để hình thành các mô hình chung sống an toàn, luôn đề cao tinh thần phòng ngừa, bảo vệ mình, gia đình và rộng hơn là cộng đồng xã hội. Khi đó, việc thích ứng an toàn sẽ thực sự đạt được và thúc đẩy các mục tiêu khác.