Chưa có điểm tập kết rác thải đúng quy hoạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong báo cáo xây dựng nông thôn mới quý I/2015 của huyện Mê Linh có một con số rất ấn tượng, đó là tính đến hết tháng 3, toàn huyện đã có 14/16 xã đạt tiêu chí về môi trường.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những nỗi lo xung quanh vấn đề này chưa phải đã hết.
Xe rác tập kết ven đường liên xã Đại Thịnh.
Xe rác tập kết ven đường liên xã Đại Thịnh.
Rác vứt bừa bãi

Đi dọc QL23, không khó để nhận thấy những điểm tập kết rác thải nằm rải rác ven đường. Rác thải chủ yếu từ nguồn sinh hoạt, được người dân đưa từ khu dân cư ra để ven đường đi. Nhiều người dân hành động như thể một thói quen, bởi tại những điểm này không hề có biển chỉ dẫn, cũng chưa được xây dựng theo đúng quy chuẩn của TP về một điểm tập kết rác. Trên trục đường chính đã vậy, tại các đường liên xã, liên thôn, tình trạng tập kết rác thải tùy tiện còn phổ biến hơn. Tại một trong những xã nằm gần trung tâm huyện là Đại Thịnh, những xe rác nằm ngổn ngang ven đường, chen cả lối đi, gây cản trở việc đi lại của người dân. Một số thùng rác được đặt rải rác ven đường nối từ QL23 tới đường đê tả Hồng, nhưng nhiều người dân có ý thức chưa tốt, vẫn đi qua rồi tiện tay ném lại ngay bên cạnh thùng rác!

Dù địa phương đã có chủ trương thành lập những điểm tập kết rác thải nằm xa khu dân cư từ 100 – 200m, tuy nhiên, theo khảo sát, nhiều điểm trung chuyển rác thải nằm cách nhà dân chỉ… vài chục mét. Rác được đặt ngay trên nền đất, không có quây bọc, che đậy, khử mùi... Bên cạnh việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chất lượng không khí, làm xấu mỹ quan đô thị, thì về lâu dài, điều này còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Vẫn đang chờ nguồn vốn

Trước tình trạng rác thải “lộ thiên” gây ảnh hưởng tới cuộc sống, tại một số buổi tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh trước Kỳ họp thứ X HĐND huyện vừa qua, rất nhiều người dân các xã Kim Hoa, Đại Thịnh, Vạn Yên, Thạch Đà đã có ý kiến đề nghị huyện bố trí thêm cán bộ, công nhân viên thu gom rác thải trong ngày, đảm bảo VSMT. Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu, người dân nơi đây đều có thể nhận biết được. Ông Nguyễn Thái Hùng – Bí thư Đảng ủy xã Vạn Yên bày tỏ quan điểm, người dân có cơ sở để bức xúc vì họ vẫn đóng phí VSMT hàng tháng. Thêm nữa, việc thiếu đi những điểm tập kết rác đúng quy chuẩn có thể ảnh hưởng tới nỗ lực “cán đích” nông thôn mới của các địa phương…

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phùng Minh Chiến cho biết, huyện nhận thức rất rõ những tác động tiêu cực về mặt môi trường cũng như trách nhiệm giải quyết vấn đề này đối với Nhân dân. Hiện, huyện đã có quy hoạch chi tiết các điểm tập kết rác thải tập trung. Tuy nhiên, việc xây dựng các điểm tập kết này theo đúng quy chuẩn lại chưa thể thực hiện ngay được! Nguyên nhân là do chưa được bố trí nguồn vốn. Cụ thể, chính sách của TP quy định, đối với mỗi điểm tập kết rác, TP hỗ trợ huyện 200 triệu đồng để xây dựng, nhưng đến nay, huyện Mê Linh vẫn chưa nhận được khoản kinh phí này. Đề cập tới vấn đề xã hội hóa, ông Chiến cho biết, đây là việc không hề dễ dàng, bởi “trước đây địa phương cũng đã kêu gọi xã hội hóa nhiều hạng mục cho chương trình xây dựng nông thôn mới…”. Để hoàn thành được tiêu chí này, hiện tại, huyện chỉ còn biết trông chờ vào nguồn vốn của TP!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần