Chưa hết áp lực lãi vay

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãi suất tiết kiệm xuống mức kỷ lục trong lịch sử, thấp nhất chỉ còn 2,4%/năm, song lãi suất cho vay lại chưa giảm tương ứng. Thực tế này khiến hàng triệu tỷ đồng mà ngân hàng huy động để cho vay vẫn phải “đắp chiếu” vì “ế”.

Lãi suất tiết kiệm thấp chưa từng có

Những ngày qua, hàng loạt ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất đối với hàng loạt kỳ hạn tiền gửi. Ngân hàng LPBank điều chỉnh lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 11 tháng xuống còn 4,3%/năm, giảm từ 0,5 - 0,8%/năm so với trước đó. Với kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất cũng giảm từ 5,6%/năm xuống còn 5,3%/năm.

Tư vấn cho khách hàng tại VietcomBank. Ảnh: Trâm Anh
Tư vấn cho khách hàng tại VietcomBank. Ảnh: Trâm Anh

Cùng xu hướng, Techcombank cũng giảm lãi suất thêm 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên niêm yết từ 4,75 - 5%/năm tùy nhóm khách hàng; lãi suất tiền gửi kỳ hạn gửi 6 tháng từ 4,55 - 4,8%/năm. Eximbank giảm tiếp 0,1%/năm lãi suất huy động trực tuyến tại các kỳ hạn 6 và 12 tháng, lần lượt về mức 4,9 và 5,5%/năm.

Kể từ đầu tháng 12 đến nay hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động là HDBank, Techcombank, Eximbank, KienLongBank. Trong tuần trước, các ngân hàng thương mại Nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục điều chỉnh giảm thêm lãi suất huy động. Lãi suất ở các 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) giảm về thấp nhất trong lịch sử, chỉ từ 4,3 - 4,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 và 3 tháng chỉ còn 2,4 và 2,7%/năm, mức thấp kỷ lục của Vietcombank và cả hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, ABBank, MB, PVCombank, Sacombank, ACB… cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Những ngân hàng có hai lần điều chỉnh giảm lãi suất như VietBank, Dong A Bank, VIB, NCB, OCB, Bac A Bank, Sacombank, BaoVietBank, BVBank. Techcombank có tới 3 lần giảm lãi suất trong tháng qua.

Về lý thuyết, khi lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay sẽ giảm theo, dòng tiền sẽ chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác, vốn sẽ được đẩy ra nền kinh tế tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 11, dư nợ tín dụng mới tăng chưa đến 9%, cùng kỳ tăng 12% và chỉ tiêu cho cả năm 2023 là khoảng 14%. Dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn trên 700.000 tỷ đồng cấp cho nền kinh tế.

Công khai lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng

Nhiều DN cho hay, lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của DN. “Các khoản vay mới, thời gian thẩm định, giải ngân quá dài, ngân hàng yêu cầu DN cung cấp nhiều giấy tờ trong hồ sơ vay vốn”- Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết.

Giám đốc Công ty CP Công nghệ PMA (Hoài Đức, Hà Nội) cũng cho rằng các gói vốn giá rẻ được nhiều ngân hàng tung ra, song chỉ áp dụng trong thời gian ngắn. Chưa kể, hồ sơ, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp, cứng nhắc, rườm rà. Còn theo Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình thì cho biết, với lượng lúa thu mua khi vào vụ khoảng 1 - 2 tấn/ngày, DN sẽ cần khoảng vài tỷ đồng/ngày để thu mua lúa cho nông dân. Số tiền này chỉ vay ngân hàng mới có nhưng đến nay phía ngân hàng cũng không cho dùng lúa để thế chấp nên DN đành bó tay.

Nhiều DN đề xuất các giải pháp, nhất là tháo gỡ khó khăn về pháp lý, lãi suất, tài sản bảo đảm, cơ cấu nợ, hạn mức vốn vay… để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, tín dụng tăng trưởng còn chậm, một phần là do kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn, nhu cầu vốn của người dân và DN còn yếu, một phần là do khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng có phần kém đi nhưng cũng có nguyên nhân lãi suất cho vay ở một số ngân hàng còn khá cao. Điều này đặt ra yêu cầu đối với ngành, các tổ chức tín dụng cần bám sát tình hình, lĩnh vực, ngành nghề và linh hoạt hơn về điều kiện cho vay (nhất là về tài sản bảo đảm…) và cần đánh giá triển vọng dòng tiền nhiều hơn, sát hơn.

Đây cũng là lý do tại hội nghị về tháo gỡ khó khăn vốn do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đề nghị các ngân hàng thương mại bằng mọi biện pháp, từ nay đến cuối năm 2023, phải giảm lãi suất những khoản vay cũ để bảo đảm hỗ trợ DN. Đồng thời, nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng, lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay, nhằm tạo điều kiện cho các DN, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.

Không hạ chuẩn tín dụng nhưng xử lý linh hoạt

Theo các chuyên gia kinh tế, việc công khai mặt bằng lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động là cần thiết nhằm gia tăng sự minh bạch, giúp khách hàng có cơ sở so sánh, lựa chọn. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng có sự phân hóa khá rõ nét, tùy đối tượng vay cũng như giá vốn, nợ xấu… của mỗi ngân hàng.

“Nếu ngân hàng vẫn "cố thủ" lãi suất cho vay cao, khó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đã gần cuối năm 2023 nhưng các đơn hàng DN sản xuất mới chỉ tính theo tháng. Thời điểm này, ngân hàng phải chia sẻ với DN, tiếp tục giảm lãi suất và hỗ trợ cho vay, vừa giúp DN cũng chính là giúp ngân hàng chữa được bệnh “thừa tiền” - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, GS.TS Võ Đại Lược nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo hàng loạt giải pháp quyết liệt, đồng bộ, trong đó có nhiều giải pháp mới để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng. Đó là tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thủ tướng yêu cầu các chủ thể liên quan cùng vào cuộc có trách nhiệm, chống tiêu cực, không hạ chuẩn tín dụng nhưng xử lý linh hoạt. Kịp thời xử lý những vướng mắc thực tiễn, có cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, loại bỏ công cụ hành chính. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát điều kiện tín dụng, linh hoạt hơn, giảm lãi suất, có gói tín dụng ưu đãi, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

 

Lãi suất cho vay chưa giảm kịp theo lãi suất huy động, trong đó lãi suất cho vay bằng tài sản thế chấp bình quân khoảng 8 - 10%/năm, còn tín chấp vẫn trên 10%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động đã về vùng đáy. Lãi suất cho vay của Việt Nam đang cao nhất thế giới. Lãi suất huy động có thể giảm thêm nữa và lãi suất cho vay về mức 6%/năm là hợp lý.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới,
GS.TS Võ Đại Lược

Tài sản thế chấp, thủ tục vay vẫn đang là vướng mắc. Đặc biệt là yêu cầu DN khi vay phải cung cấp báo cáo thuế, báo cáo kiểm toán, DN nhỏ và vừa không đáp ứng được. Ngân hàng cần tháo gỡ thủ tục, giảm tiếp lãi suất cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, đồng thời đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi, thực hiện đúng các đối tượng.
Giám đốc điều hành Công ty Hyundai Bắc Ninh Nguyễn Thị Bích Hồng