Chưa phải lúc để áp sàn giá vé máy bay?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc áp sàn giá vé máy bay chỉ là giải pháp mang tính tình huống, áp dụng trong thời gian ngắn. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng chưa hợp lý vì đang là thời điểm nhiều ngành nghề, DN và cả người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

 Áp sàn giá vé máy bay là đề xuất bắt nguồn từ Vietnam Airlines (Ảnh: Cao Miên).

Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, việc áp sàn (mức giá tối thiểu) vé máy bay nội địa hạng phổ thông sẽ thực hiện từ 1/11/2021 đến 31/10/2022. Nghĩa là theo kịch bản lạc quan nhất, nếu dịch bệnh Covid-19 sớm được kiểm soát, các đường bay nội địa được nối lại sẽ gần như ngay lập tức phải áp dụng sàn vé máy bay.

Có hạn chế, bất cập nhưng... cần thiết

Câu chuyện Cục Hàng không Việt Nam muốn áp sàn giá vé máy bay đã được nói đến từ khá lâu. Trải qua một thời gian vấp phải không ít ý kiến trái chiều, cơ quan này vẫn kiên định giữ vững lập trường. Và mới đây nhất, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT áp mức giá tối thiểu (giá sàn) bằng 20% mức giá tối đa vé máy bay phổ thông nội địa. Mức giá sàn được đề suất bằng  20% mức giá tối đa vé máy bay phổ thông nội địa hiện tại.

Cụ thể, các đường bay nhóm IV như Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Cam Ranh…; TP Hồ Chí Minh đi Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng… giá tối thiểu 640.000 đồng/vé 1 chiều. Đường bay nhóm V như Hà Nội đi Cần Thơ, Phú Quốc, Côn Đảo giá tối thiểu 750.000 đồng/1 chiều (chưa gồm thuế phí). Sẽ không còn giá vé 0 đồng.

Lí giải cho đề xuất trên, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện khung giá vé dịch vụ vận chuyển hàng không (giá vé máy bay) chỉ quy định giá tối đa (giá trần), không có giá sàn. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến dòng tiền thanh toán của các hàng hàng không bị đứt. Điều này đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của các hãng bay.

Để hỗ trợ giảm khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam nói chung, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước (với tư cách là cổ đông nắm giữ trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines), Cục Hàng không Việt Nam cho rằng việc quy định giá sàn các đường bay nội địa từ 1/11/2021 đến 31/10/2022 là cần thiết.

Đặc biệt, cùng với việc đưa ra đề xuất trên, Cục Hàng không Việt Nam không quên nhắc lại việc chính Vietnam Airlines vào tháng 7/2021 đã  kiến nghị quy định mức giá tối thiểu nhằm hỗ trợ các hãng hàng không, đặc biệt là Vietnam Airlines và góp phần bảo toàn vốn nhà nước tại DN bằng việc áp giá sàn bằng 44% mức giá tối đa trong khung giá.

Sau khi nghiên cứu, Cục Hàng không Việt Nam quyết định hạ mức giá sàn xuống bằng 20% mức giá tối đa hiện nay và áp dụng trong thời gian 12 tháng. Trong trường hợp thị trường nội địa tiếp tục  khó khăn như năm 2021 sẽ kéo dài thời gian áp dụng.

Sau khi nhận được đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT nêu rõ quan điểm đây là vấn đề có tính tác động rất lớn nên phải hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học.

Về phía Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này vừa có động thái mới trong việc bảo vệ quan điểm của mình khi có báo cáo gửi Bộ GTVT về hoàn thiện hồ sơ dự thảo thông tư quy định khung giá vé máy bay nội địa. Trong báo cáo này, Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận áp sàn vé máy bay có tồn tại những bất cập, hạn chế.

Đơn cử là việc áp sàn vé máy bay sẽ khiến chi phí và dịch vụ cung ứng của các hãng hàng không không cùng một mặt bằng gây khó khăn cho việc xác định mức giá tối thiểu áp dụng chung cho tất cả các hãng hàng không. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, đây chỉ là giải pháp mang tính tình huống, chỉ áp dụng trong thời gian ngắn và được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước.

Các chuyên gia cho rằng áp sàn giá vé máy bay sẽ tiềm ần những hệ lụy xấu (Ảnh: Việt Hùng).

Hệ lụy nhãn tiền

Trao đổi với phóng viên Kinh tế&Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, việc áp sàn giá vé máy bay chính là đề xuất của Vietnam Airlines và đương nhiên chính sách mang lại lợi ích lớn nhất cho hãng hàng không này.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại những hãng hàng không giá rẻ và hãng hàng không mới thành lập sẽ là người chịu thiệt. “Trong đề xuất của mình, Cục Hàng không Việt Nam đã nêu rõ là áp sàn vé máy bay để bảo vệ Vietnam Airlines và đây cũng là đề xuất bắt nguồn từ chính Vietnam Airlines. Các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air đương nhiên không thích điều này” – PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.

Trên thực tế, kết quả khảo sát của Cục Hàng không Việt Nam từ chính các hãng hàng không cũng cho kết quả tương tự. Cụ thể, có 3 hãng bay đồng ý với việc áp sán giá vé máy bay là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Bamboo Airways.

Hai hãng hàng không phản đối là Vietjet Air (hãng hàng không giá rẻ hàng đầu Việt Nam) và Vietravel Airlines  (hãng hàng không vừa mới thành lập). Trong đó, Vietravel Airlines cho rằng quy định mức giá sàn gây nhiều bất lợi cho hãng hàng không giá rẻ, đặc biệt với hãng hàng không mới. Còn theo Vietjet Air, giá sàn sẽ tạo ra nhiều bất cập và tác động tiêu cực như: Không phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, các cam kết thương mại quốc tế mà Việt Nam là thành viên; không đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và quyền tiếp cận, thụ hưởng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội; không đảm bảo thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vận chuyển hàng không.

Đặc biệt, một trong những tác động tiêu cực mà Vietjet Air nói đến là việc áp giá sàn vé máy bay sẽ không thúc đẩy sự phục hồi của các thị trường cung cấp hàng hóa dịch vụ có liên quan trực tiếp đến vận chuyển hàng không trong và sau đại dịch Covid-19. Đây cũng là điều được nhiều chuyên gia nhắc tới.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không thắc mắc, áp giá sàn vé máy bay đúng vào thời điểm ngành hàng không đang cố gượng sau một thời gian dài dịch bệnh tàn phá là không hợp lý. Không những thế, dịch bệnh còn khiến cho cả xã hội kiệt quệ, người dân gặp khó khăn. Áp giá sàn lúc này chẳng khác nào cấm người dân đi máy bay bởi khi kinh tế khó khăn, tài chính eo hẹp, máy bay giá rẻ chính là cứu cánh duy nhất của nhiều người. “Điều này chẳng khác nào đẩy khó khăn về phía người dân. Bởi họ vừa trải qua thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, cũng khó khăn trăm bề chứ đâu chỉ riêng Vietnam Airlines..." – chuyên gia Nguyễn Thiện Tống nói.

"Lập giá sàn vé máy bay sẽ giáng đòn chí mạng vào sự phục hồi của nền kinh tế. Thậm chí, đây sẽ là đòn knock-out với ngành du lịch, vốn có doanh thu 35 tỉ USD/năm trước đại dịch Covid-19, trực tiếp tạo việc làm cho 2,5 triệu người và việc làm gián tiếp cho khoảng 2 - 2,5 triệu người. Trước đại dịch Covid-19, hơn 2/3 người đi máy bay ở Việt Nam chọn hàng không giá rẻ. Nên bỏ ngay ý định áp dụng giá sàn vé máy bay, đồng thời xem xét bỏ giá trần” - Chuyên gia hàng không, TS Nguyễn Hoài Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần