Bộ Công Thương thông tin, ở trong nước, từ đầu tháng 1 và tháng 2/2022, do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55 - 80% công suất, và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng sản xuất. Do đó, không bảo đảm việc cung cấp cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hợp đồng đã ký, ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.
Sang tháng 3/2022, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường, do lượng cung ứng xăng dầu từ sản xuất trong nước tiếp tục giảm. Dự kiến tháng 3/2022 giảm so với kế hoạch 20%, đơn vị này chỉ cung cấp được khoảng 80% kế hoạch theo tháng (kế hoạch giao 680.000m3, nhưng dự kiến giao hàng là 556.000m3; trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%).
Bộ này cho biết, hiện nay Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5/2022 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của nhà máy.
Vì vậy, ngày 22/2, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Sau đó, Bộ Công Thương đã giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (không tính nguồn cung từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn) để đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa trong quý II/2022.
Báo cáo cũng nêu rõ, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp.
Đồng thời, chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện về thủ tục nhập khẩu để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức đã được Bộ Công Thương phân giao.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm 2022 và lượng phân giao bổ sung.
Đối với Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn, Bộ Công Thương đề nghị tăng công suất sản xuất để tăng nguồn cung xăng dầu thành phẩm cho thị trường; công bố kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trước 45 ngày để các thương nhân đầu mối kinh doanh có kế hoạch cân đối nguồn bảo đảm cung cấp xăng dầu cho thị trường.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 30 - 35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam. Vậy nên chỉ cần có sự thay đổi trong hoạt động của nhà máy này thì chắc chắn có tác động nhất định đến một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, giải pháp căn cơ cho thị trường hiện nay vẫn là nâng hết công suất các nhà máy lọc hóa dầu còn lại lên để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.