Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Chúa tể sơn lâm” ẩn mình trong làng cổ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuân Nhâm Dần đang gõ cửa, đào quất đã rộn ràng xuống phố.

Ngược dòng xe cộ tấp nập những ngày áp Tết, tôi tìm đến làng Mông Phụ, nơi nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát miệt mài làm việc trong “Không gian nghệ thuật của Phát – Phat’s Studio” để tạo ra những “ông” hổ độc bản chào đón năm mới 2022.
Bộ sưu tập 2.022 con hổ độc bản
Bên tách trà ấm thơm dịu hương sen trong ngôi nhà 5 gian đầy ắp những tác phẩm mỹ thuật ứng dụng lấy ý tưởng từ 12 con giáp, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ, mỗi năm anh đều dành nhiều thời gian sáng tác về con giáp của năm đó. “Làm tác phẩm về hổ là một thử thách rất lớn. Bởi, hổ là hình tượng khó tiếp nhận đối với nhiều người, do con giáp này thường được quan niệm là tượng trưng cho sự hung dữ, quyền uy. Hơn nữa, từ trước đến nay, hổ chủ yếu được đặt trong các không gian tín ngưỡng” – nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát giãi bày.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tỉ mỉ thực hiện tác phẩm về hổ.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tỉ mỉ thực hiện tác phẩm về hổ.

Mặc dù hóc búa như vậy, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát vẫn quyết tâm làm 2.022 sản phẩm về hổ bằng chất liệu gỗ mít, đá ong kết hợp với nghệ thuật sơn mài thuần Việt. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết, con số 2.022 mang ý nghĩa chào đón năm mới Nhâm Dần và cũng để thử thách bản thân vượt qua chính mình nhằm tôn vinh khả năng sáng tạo của người Việt.
2.022 con hổ được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát làm có tính độc bản, với kiểu dáng khác nhau, không phải sản phẩm đổ khuôn. Để có được sự đa dạng khi ứng dụng hình tượng hổ vào trong các tác phẩm, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã nghiên cứu con giáp này bằng nhiều cách khác nhau như khảo sát tại các di tích tâm linh, đọc sách báo và trên internet. “Tuy nhiên, sẽ rất sai lầm nếu những người làm điêu khắc, sơn mài sa đà vào tư liệu. Do vậy, các hình tượng hổ của tôi đều không gắn vào những tích sử, tích truyện mang tính hung dữ” - anh Nguyễn Tấn phát chia sẻ.
Nghiên cứu, tìm tòi ý tưởng sáng tạo
Để tạo ra được 2022 sản phẩm điêu khắc, sơn mài về hổ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã khai thác nhiều góc cạnh, thể hiện bằng nhiều hình thức, phương pháp cách điệu. “Khi cách điệu, hình ảnh hổ hiện lên với nhiều tính cách khác nhau, có thể đặt vào các không gian sinh hoạt với hình dạng là lọ hoa, hộp, khay trà, ghế ngồi…” – nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.
Điển hình, trong bộ sưu tập 2.022 con hổ, tác phẩm “ngũ hổ” được làm theo ý tưởng âm dương ngũ hành với 5 màu sắc vàng, đỏ, xanh, trắng, đen. 5 chiếc ghế là hình tượng hổ thân thiện, khom mình xuống làm chiếc ghế để con người ngồi lên và đưa tay vuốt ve trên đầu. Hiện tại, bộ ghế “ngũ hổ” là sản phẩm lớn nhất. Một chiếc ghế có trọng lượng khoảng 60kg, cao 80cm, rộng 1m.
Ngoài sử dụng để làm nội thất, sản phẩm về hổ của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn có thể ứng dụng ở nhiều không gian khác. Chẳng hạn, có những bức tượng anh không làm sơn mài mà để nguyên gỗ mộc, có thể trang trí ngoài sân vườn. Trên những tác phẩm hổ, nghệ nhân còn gửi gắm nhiều thông điệp và ước vọng cho năm mới. Chẳng hạn, tác phẩm hổ chắp thêm đôi cánh thể hiện ước vọng của người Việt thuận theo câu nói “Hổ mọc thêm cánh” – mong muốn thuận lợi hơn trong cuộc sống…
Chia sẻ với Kinh tế&Đô thị nhân dịp đầu Xuân mới, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bày tỏ, năm 2022 – kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, mong mỏi lớn nhất của anh là bằng khả năng mỹ thuật của mình có thể tổ chức những triển lãm, sự kiện văn hóa nghệ thuật nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa xứ Đoài. Mặt khác, với hình tượng 2.022 con hổ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát muốn gửi gắm với người dân của Việt Nam một tinh thần mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, trước mắt là đại dịch Covid-19.

 

Họa sĩ, Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sinh năm 1983, tại Sơn Tây (Hà Nội). Anh từng đoạt nhiều giải thưởng như: Giải Nhất cuộc thi Thiết kế thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2014 và 2019; Giải cao nhất cuộc thi Thiết kế thủ công Việt Nam 2020 với tác phẩm “Trâu hoa làng Việt”. Năm 2017, anh là một trong những nghệ nhân trẻ nhất được vinh danh tại Lễ trao danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội.

Với góc nhìn sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã cho ra lò bộ sưu tập 2022 “chúa tể sơn lâm” như một món quà ý nghĩa mừng đón Xuân Nhâm Dần.