Bởi vậy, nếu bỏ trần lãi suất quá sớm sẽ gây sự xáo trộn trên thị trường. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực về các vấn đề đang được quan tâm trên thị trường ngân hàng hiện nay.
Lãi suất vẫn thực dương
Hiện, các ngân hàng đang có xu hướng giảm lãi suất huy động dưới mức trần. Vì sao, thưa ông?
- Theo tôi, việc các ngân hàng đồng loạt cắt giảm lãi suất là do thanh khoản hệ thống ngân hàng nói chung đã được cải thiện. Nhiều ngân hàng có hiện tượng ứ vốn, không cho vay ra được. Bởi thế, việc cắt giảm lãi suất đầu vào là một giải pháp đang được nhiều ngân hàng tính đến.
Giảm lãi suất là một cách giúp các ngân hàng cắt giảm chi phí đầu vào, để cân đối bài toán kinh doanh khi vốn cho vay ra không được. Tín dụng vẫn là kênh lợi nhuận chủ yếu của các ngân hàng Việt Nam hiện nay.
Lãi suất huy động đã chạm mức 5%/năm. Các kỳ hạn ngắn cũng ở mức thấp. Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất một số kỳ hạn đã thực âm so với lạm phát. Điều này có thiệt thòi cho người gửi tiền không, thưa ông?
- Nếu chỉ nhìn vào con số 5% hay 6%/năm thì đúng là lãi suất đã thấp hơn kỳ vọng lạm phát. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Hiện, lãi suất các kỳ hạn dài vẫn ở mức cao, khoảng 8%, thậm chí hơn con số này. Mức lãi suất này vẫn đảm bảo thực dương so với kỳ vọng lạm phát. Năm 2013, theo dự đoán, chỉ số giá tiêu dùng sẽ ở mức khoảng 7%. Thực tế, dù lãi suất đã giảm nhưng tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại CP Việt Á. Ảnh: Đức Giang
Thanh khoản khá, ngân hàng thừa vốn, tại sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chần chừ trong việc bỏ trần lãi suất huy động, thưa ông?
- Thực tế, hiện nay, NHNN đã bỏ trần các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Đây được coi là một phép thử để thị trường thích ứng dần và tiến tới bỏ trần lãi suất.
Tuy nhiên, muốn bỏ được trần hoàn toàn và đưa lãi suất vận hành theo cơ chế thị trường thì cần phải có điều kiện. Hiện, mức tăng CPI khá thấp, thanh khoản ngân hàng ổn định, huy động vốn tăng... đó là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho động thái này. Thế nhưng, hiện, thị trường tài chính ngân hàng vẫn chưa thực sự ổn định. Các hiện tượng làm xáo trộn thị trường dù không phổ biến nhưng vẫn tồn tại. Ngân hàng yếu kém chưa được xử lý triệt để. Nếu chúng ta bỏ trần lãi suất quá sớm sẽ gây sự cạnh tranh lộn xộn trên thị trường ngân hàng.
Vậy, theo ông, từ nay đến cuối năm, lãi suất VND có thể giảm tiếp nữa không?
- Theo tôi, lãi suất khó giảm tiếp. Hoặc có giảm thì cũng ở mức rất nhỏ. Lãi suất hiện đã ở mức rất thấp, trong khi lạm phát lại có tín hiệu tăng trở lại. Mặt khác, lãi suất cho vay hiện đã rất thấp nhưng doanh nghiệp vẫn không mặn mà vì sức cầu còn yếu.
Áp trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên là cần thiết
Chưa nên bỏ trần lãi suất huy động, vậy đây có phải là thời điểm bỏ trần cho vay không, thưa ông?
- NHNN hiện chỉ áp dụng trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên như cho vay nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu... Các lĩnh vực khác, lãi suất cho vay vẫn vận hành theo cơ chế thị trường và niêm yết biểu lãi suất cho vay thế nào là tùy thuộc vào chính sách của từng ngân hàng.
Theo tôi, việc áp trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên là cần thiết. Phải có định hướng lãi suất, nếu không tình trạng vốn chảy không đúng chỗ sẽ lại tiếp diễn. Hiện, các ngân hàng đang ồ ạt cho vay tiêu dùng. Điều này có gây nguy cơ tăng trưởng tín dụng nóng như các năm 2008, 2009, rồi lại luẩn quẩn trong vòng vây nợ xấu không, thưa ông?- Thừa vốn nên các ngân hàng sốt sắng tăng trưởng tín dụng - đó là thực tế hiện nay. Tuy nhiên, lo ngại ngân hàng cho vay tiêu dùng quá tay hay dưới chuẩn thì tôi nghĩ khó xảy ra. Vì hiện nay, các ngân hàng đã rất sợ nợ xấu sau một thời gian dài mọi hoạt động ách tắc do "cục máu đông" này. Ngân hàng đang dốc sức thu hồi nợ xấu nên họ chả dại gì mà tạo thêm nợ khó đòi.
Hơn nữa, điều kiện cho vay tiêu dùng cũng rất ngặt nghèo. Có thể các ngân hàng quảng cáo thì nghe dễ vay nhưng nếu bạn không có tài sản thế chấp, không chứng minh được thu nhập... thì khả năng vay tiêu dùng được từ các ngân hàng là rất thấp. Nhiều rào cản tiếp cận vốn lãi suất 6%/năm
Một vấn đề nữa cũng đang được quan tâm là gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Gói này được mong đợi nhiều, tuy nhiên, tốc độ giải ngân lại quá chậm. Tại sao, thưa ông?
- Đúng là tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng vẫn còn chậm so với mong muốn của người dân. Nguyên nhân là do sự chậm trễ trong việc ban hành những chính sách, thông tư sửa đổi. Ví dụ, liên quan đến xác định thu nhập thấp, mãi gần đây Bộ Xây dựng mới có. Giờ còn một loạt vấn đề nữa liên quan đến sửa đổi Nghị định 71 cho phép người dân được chuyển nhượng nhà thu nhập thấp sau 5 năm thay vì 10 năm. Ngoài ra, còn vấn đề đăng ký giao dịch tài sản đảm bảo với các căn hộ, hay các địa phương không chứng nhận điều kiện nhà ở cho người dân… Đặc biệt với hộ kinh doanh cá thể, việc chứng minh mối quan hệ gia đình, thực trạng nhà ở chỉ có thể căn cứ vào hình thức họ khai báo rồi chờ xác nhận của địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan ở Việt Nam vẫn còn yếu. Như bên Mỹ, chỉ cần có một tờ khai sinh, tất cả các thông tin về chủ nhân của tờ khai sinh này sẽ được cập nhật ngay trên mạng. Điều này vừa đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc, vừa giúp minh bạch hóa thông tin.
Một vướng mắc nữa là chuyện xác nhận thu nhập để chứng minh khả năng trả nợ. Ở Việt Nam, thu nhập chính thức và phi chính thức còn có chênh lệch. Về lâu dài, cơ quan thuế sẽ góp phần minh bạch thông tin về vấn đề này.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù thuộc đối tượng được vay nhưng cơ hội tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng của những người lao động tự do là rất ít. Ông nói gì về điều này?
- Như tôi đã nói ở trên, việc xác minh thu nhập thực tế của người vay vốn thực sự là rất khó khăn. Đặc biệt, với người lao động tự do. Vì thế cơ hội tiếp cận vốn 30.000 tỷ đồng của đối tượng này không cao. Tại BIDV đã có một số khách hàng cá nhân được vay gói lãi suất 6% nhưng chủ yếu là cán bộ, công nhân viên.
Xin cảm ơn ông!