Chưa thể chủ quan với CPI

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 giảm 0,07% so với tháng trước.

Như vậy, CPI bình quân 8 tháng năm 2015 so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 0,83%. Điểm đặc biệt, đây là lần đầu tiên CPI tháng 8 giảm so với tháng trước trong vòng 10 năm gần đây.

Chưa chịu nhiều tác động từ việc phá giá NDT

Mặc dù từ 11/8, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc hạ giá 3 ngày liên tiếp với mức giảm đến trên 4,6%, cùng với việc giảm giá đồng nội tệ của nhiều nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, cũng như việc điều chỉnh “kép”, “vượt trước ngăn chặn” của Ngân hàng Nhà nước (vừa nới biên độ giao dịch, vừa điều chỉnh tỷ giá) nhưng chưa tác động nhiều đối với CPI tháng 8 (với chu kỳ tính từ 16/7 - 15/8).
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê
CPI tháng 8 hầu như chỉ bị tác động của các yếu tố cũ, trong khi tác động của việc giảm giá xăng dầu; chi phí cho giá điện cũng không còn cao như tháng 6, tháng 7 (trong 2 tháng này, giá điện bình quân rất cao, có một phần do tăng giá điện trước đây, mặc khác với cách tính lũy tiến lại rơi đúng vào dịp nắng nóng gay gắt, kéo dài, làm cho lượng điện sử dụng tăng lên).

Với tốc độ tăng thấp của 8 tháng qua so với mục tiêu cả năm (tăng 5%), thì 4 tháng cuối năm, dư địa còn được tăng 4,36%, hay tăng 1,07%/tháng. Nếu không có các yếu tố đột xuất khác, nhiều chuyên gia nhận định, lạm phát cả năm sẽ đạt, thậm chí còn thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả năm.

Cẩn trọng với việc điều hành tỷ giá

Tuy nhiên, chưa thể chủ quan thỏa mãn với kết quả đã đạt được trong 8 tháng, do tác động của một số yếu tố làm tăng CPI trong thời gian tới. Rõ nhất là chi phí đẩy. Do tỷ giá tăng cao như đã nói ở trên, giá nhập khẩu từ sau 11/8 tính bằng VND sẽ cao lên. Hàng nhập khẩu có 2 loại. Một loại đi thẳng vào tiêu dùng (tuy chỉ chiếm khoảng 10%) sẽ trực tiếp làm cho CPI tăng lên. Một loại đi vào sản xuất (gồm thiết bị máy móc, nguyên vật liệu...) sẽ làm cho chi phí sản xuất tăng, giá thành, giá bán sản phẩm, trong đó có hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng lên theo.

Về mặt tài chính, tiền tệ, có những yếu tố tác động đến CPI. Tiền trả nợ tính bằng VND của ngân sách Nhà nước hoặc của các DN vay nợ bằng ngoại tệ trước đây sẽ cao lên, làm cho bội chi ngân sách hoặc chi phí vốn tăng lên, việc thu, chi ngân sách Nhà nước hoặc vốn liếng của DN có vay ngoại tệ sẽ mất cân đối hơn. Bội chi ngân sách là một trong những yếu tố tác động lớn đến CPI. Khi tỷ giá biến động (kéo theo giá vàng, giá USD tăng cao) sẽ làm cho việc gửi tiết kiệm sẽ không còn hấp dẫn như trước, làm cho tốc độ tăng huy động tiếp tục thấp hơn tốc độ cho vay và đây là yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát.

Về mặt tâm lý, khi giá vàng, giá USD tăng thì tâm lý lo sợ lạm phát sẽ xuất hiện, người có tiền thường tìm đến trú ẩn vào vàng, ngoại tệ hoặc đưa vào thị trường bất động sản đã có dấu hiệu ấm lên...

Vấn đề đặt ra là cần cẩn trọng với việc điều hành tỷ giá, bởi 2 lý do. Lý do thứ nhất là NDT so với năm 2005 đã lên giá tới 30% so với USD, trong khi VND đã giảm giá khoảng 40%, tức là VND vẫn còn lợi thế, không nhất thiết phải giảm sâu như NDT vừa qua. Lý do thứ hai là “cánh kéo tỷ giá”. Tỷ giá hối đoái VND/USD năm 2013 cao gấp 2,78 lần tỷ giá sức mua tương đương (tức là 1 USD tại Việt Nam cao gấp 2,78 lần ở Mỹ), trong khi của Trung Quốc là 1,75, của Hàn Quốc là 1,27, của Singapore là 1,43, của Malaysia là 2,21, của Thái Lan là 2,49... Lý do thứ ba, nhập siêu từ Trung Quốc cao chủ yếu từ cơ cấu và hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp của Việt Nam.

Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm tính gia công, lắp ráp, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, kiểm soát nhập khẩu, cân đối ngân sách...