Chùa Trấn Quốc - linh thiêng cổ tự ngàn năm tuổi

Nguyễn Mỹ Hảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chùa Trấn Quốc như một đóa sen tĩnh lặng nổi trên mặt nước hồ Tây có diện tích trên 500ha.

Trấn Quốc cổ tự - ngôi chùa cổ nhất Hà Nội với trên 1.500 năm tuổi đã lọt vào danh sách 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do báo Daily Mail (Anh) bình chọn. Chùa là chốn cửa Phật linh thiêng, gắn liền với dân tộc, với Phật giáo, với Thăng Long - Hà Nội.
Chùa được dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541 - 547), tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng với tên gọi đầu tiên là “Khai quốc” (nghĩa là mở nước). Đây cũng là ngôi chùa gắn liền với sự ra đời của nhà nước đầu tiên ở Việt Nam - nhà nước Vạn Xuân.
Chốn cửa Phật linh thiêng
Ngay từ cách đây hơn 1.500 năm, cha ông ta đã thiết kế chùa theo đúng những nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông, một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Chùa gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (工).
 Chùa Trấn Quốc. Ảnh: Phạm Hùng 
Trong chùa Trấn Quốc hiện vẫn đang lưu giữ 14 tấm bia đá. Trên bia khắc năm Ất hợi (1815) có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát. Bia khắc cho biết công việc trùng tu được cha ông ta bắt đầu vào năm Quý dậu (1813) và kết thúc vào năm Ất hợi (1815).
Điểm nhấn tạo nên nét riêng cho chùa Trấn Quốc chính là vườn tháp với nhiều tháp cổ từ thế kỷ 18. Nổi bật là tòa Bảo Tháp lục độ đài sen, được xây dựng năm Mậu Dần (1998). Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý.
Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.
Đây là cây bồ đề được chiết từ gốc cây mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ. Nếu hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế thì bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Cây bồ đề ấy đến nay vẫn xanh tươi, vươn cành xòe tán phủ khắp sân chùa như minh chứng cho tình hữu nghị của 2 quốc gia Phật giáo lâu đời.
Trải qua năm tháng thời gian
Dưới triều vua Lý Nhân Tông, Thái hậu Ỷ Lan đã nhiều lần đến chùa cùng các vị cao tăng để đàm đạo. Năm Kỷ Mão (1639), chúa Trịnh cho sửa và trồng sen quanh chùa, biến nơi thờ cúng thành hành cung riêng của nhà Chúa.
Sau khi tiêu diệt nhà Trịnh, vua Lê Chiêu Thống đã hạ lệnh đốt hết những nơi cung, điện chúa Trịnh đã cho xây phục vụ cho những lần đến đây thưởng ngoạn. May dân làng đã ra sức ngăn cản bọn lính, nên chúng chỉ đốt những phòng dựng trên bè nổi quanh chùa, giữ nguyên được nét nguyên sơ của cổ tự này.
Với lịch sử xây dựng trên nghìn năm, nơi kinh đô của Phật giáo trong thời kỳ Lý - Trần, chùa Trấn Quốc được xem là danh thắng chốn Kinh kỳ từ ngày xưa đến nay. Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm, ban 20 lạng bạc để tu sửa chùa. Năm 1842, vua Thiệu Trị ghé thăm, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan để tu sửa chùa.
Tồn tại trong lòng Kinh kỳ, chùa Trấn Quốc như là chứng tích bao thăng trầm của đất nước, và thủ đô. Đứng về góc độ lịch sử, tôn giáo viện Viễn Đông Bác Cổ đã từng xếp chùa Trấn Quốc là công trình lịch sử thứ 10 trong toàn xứ Đông Dương. Đến năm 1962, nhà nước xếp hạng chùa là Di tích lịch sử Quốc gia thu hút rất đông khách đến lễ phật, tham quan.
Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, chùa Trấn Quốc cũng đã được trùng tu theo hướng vẫn giữ nguyên những giá trị đã đi theo theo cùng năm tháng. Hà Nội đã làm hết sức mình để giữ được những giá trị trường tồn mà cha ông ta bao đời này đã gìn giữ.
Từ bao đời nay, đi chùa lễ Phật, cầu an, cầu phước trong những ngày đầu năm đã trở thành một thông lệ không thể thiếu trong lễ Tết của Việt Nam. Không chỉ là địa chỉ tôn giáo, chùa Trấn Quốc còn là thắng cảnh của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Trong thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới đêm Giao thừa Tết Nguyên đán, nhà chùa mở cửa và tổ chức khóa lễ nguyện cầu quốc thái dân an, đây là khóa lễ thiêng liêng nhất trong năm do nhà chùa tổ chức. Ðã bao đời nay đạo Phật đã đi vào lòng nếp sống văn hóa của dân tộc.
Danh thắng đất Kinh kỳ
Ngoài những Phật tử trong và ngoài nước, nơi đây còn đón hàng triệu du khách tới vãn cảnh. Nằm giữa hồ Tây lộng gió, trong khung cảnh đẹp như bài thơ, khiến cho người ta quên đi bao vất vả mưu sinh đời thường, những toan tính bon chen bay theo gió, con người xích lại gần nhau hơn.
Đặc biệt, chùa Trấn Quốc còn là ngôi chùa đón nhiều vị lãnh đạo quốc gia và các đoàn nguyên thủ, du khách quốc tế đến đây tham quan, vãn cảnh rất thành kính và bày tỏ tình cảm quý mến.
Ngay cả du khách đến từ những nước châu Âu, mỗi lần ghé thăm Hà Nội đều cố gắng một lần có mặt ở cổ tự linh thiêng này. Năm 2010, nhân chuyến sang dự Hội nghị Cấp cao không thường niên ASEAN - Liên bang Nga lần thứ hai, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã đến thăm chùa Trấn Quốc. Ông và đoàn khách đã thong dong bách bộ trên lối nhỏ trong vườn chùa để tận hưởng bầu không khí tĩnh lặng.
Đối với những người Việt xa quê, mỗi lần có dịp ghé thăm chùa Trấn Quốc như vẳng đâu đây lời thơ của cố hòa thượng Mãn Giác: Mái chùa che chở hồn dân tộc/Nếp sống muôn đời của tổ tiên.
Đây thực sự là chốn linh thiêng ngàn năm tuổi của đất Kinh kỳ, ai đã một lần đến đều muốn quay trở lại!.