Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuẩn bị các lớp phòng hộ quản trị doanh nghiệp hậu Covid-19

Khắc Kiên - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quản trị và đầu tư tài chính đóng vai trò then chốt trong sự thành bại của mỗi DN. Mỗi DN phải chuẩn bị các lớp phòng hộ để đảm bảo tính thanh khoản của DN.

Đây là khẳng định của các đại biểu tại tọa đàm “Quản trị và đầu tư tài chính cho DN thời kỳ hậu Covid-19”, do Hội DN Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội (HAMI) phối hợp cùng Tập đoàn Sunhouse và Công ty cổ phần MISA tổ chức chương trình vào sáng 27/4.

Thị trường bất ổn, DN nên quản trị theo kịch bản thay vì theo kế hoạch

Sau đại dịch Covid-19, DN Việt đang bước vào giai đoạn phục hồi và các hoạt động sản xuất đang được đẩy mạnh. Kết quả cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I năm 2019. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%.

Các đại biểu tham gia tọa đàm
Các đại biểu tham gia tọa đàm

Đưa ra nhận định về các xu hướng thị trường trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Phú - Phó Chủ tịch HAMI, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn SUNHOUSE cho biết, thị trường đang rất khó đoán định. Điều đó thể hiện ngay ở giá cả nguyên, nhiên liệu thời gian qua lên xuống thất thường. Đây là trạng thái cực kỳ khó cho DN có thể dự báo và đưa ra kế hoạch sản xuất.

Trong 2 năm vừa qua, các DN nói chung, đặc biệt là DN sản xuất bị tác động lớn từ thị trường tiêu thụ do không bán được hàng, trong khi đầu vào nguyên liệu biến động liên tục. Đây đều là những điều mà mỗi DN hoàn toàn có thể lường trước được, và chuẩn bị sẵn sàng cho mình những kịch bản đề phòng nguy cơ xảy đến trong tương lai. Trong lúc càng biến động, DN nào xây dựng kịch bản tốt thì càng hưởng lợi.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Phú, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước đang khó khăn, nhưng không phải không có cơ hội. Cụ thể, việc Trung Quốc đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19 tác động rất lớn tới kinh tế thế giới, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Tuy nhiên, so sánh tương quan với các nước, Việt Nam hiện đang được hưởng lợi nhiều hơn. Bởi, việc Trung Quốc phải đóng cửa nhiều TP vì Covid-19, đâu đó sẽ có các đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam.

Hay căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến chuỗi cung ứng từ châu Âu với Nga bị gián đoạn, nhưng kinh tế thị trường có xu hướng vòng, khi DN nước ngoài rời đi, bỏ lại những thị phần có thể tiếp cận. Khi căng thẳng Nga và phương Tây nổ ra, thị trường tại các nước này tiềm ẩn rủi ro, nhiều nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn quá trình đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư, tìm kiếm địa chỉ an toàn hơn. Đây là điểm thuận lợi cho Việt Nam với tình hình chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng khá, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện.

Bên cạnh đó, khi các DN nước ngoài rời khỏi thị trường Nga, bỏ lại thị phần để DN Việt Nam có thể tiếp cận. Việt Nam có cơ hội tốt để tăng cường thâm nhập thị trường EU, chủ yếu trong lĩnh vực nông phẩm và lương thực thay thế hàng từ Nga và Ukraine. Nhìn rộng hơn, Việt Nam có cơ hội hưởng lợi từ việc EU có thể dời hoạt động kinh doanh tại khu vực bất ổn địa chính trị, đến nơi có chính sách hợp lý và chính trị ổn định. Vì vậy, thời gian tới, FDI có thể sẽ chuyển hướng vào khu vực như Đông Nam Á, Đông Bắc Á.

Bản chất giá cả là dựa vào nguyên tắc cung cầu, dòng tiền đổ vào đâu thì giá cả sẽ tăng. Vì vậy, DN cần dựa vào đó để tính toán, dự báo tình hình. Trong lúc càng biến động, ai có khả năng dự báo, xây dựng kịch bản tốt thì khả năng hưởng lợi càng lớn. Trước sự bất ổn của thị trường, DN nên quản trị theo kịch bản thay vì theo kế hoạch.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Ông Nguyễn Xuân Phú chia sẻ, trong bối cảnh này, quản trị và đầu tư tài chính như thế nào, đóng vai trò then chốt trong sự thành bại của mỗi DN. Đồng thời chuyển hướng quản trị và đầu tư tài chính như thế nào để giúp tăng trưởng, cũng như chuẩn bị cho những khủng hoảng tương lai là điều mỗi DN chắc chắn phải chú trọng. Trên thực tế, nhiều DN không để ý đến yếu tố tài chính, mà chỉ tập trung vào lợi nhuận. Người chủ DN không biết cách phân bố tài sản thì sẽ ảnh hưởng.

Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Xuân Phú, muốn điều hành DN cần có kiến thức tài chính, kế toán, quản trị DN. Mỗi DN phải có định hướng, chiến lược quản trị tài chính đầu tư, phù hợp với DN của mình. Theo đó, người làm quản lý cần chuẩn bị cho DN mình các lớp phòng hộ để đảm bảo tính thanh khoản của DN. Đó là khoản thu với khách hàng, khoản đi vay và khoản từ hàng tồn kho. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số không chỉ ứng dụng giải pháp công nghệ mà trước hết phải thay đổi thói quen trong chính tâm thức của chủ DN, để đưa DN không chỉ phục hồi mà còn “ngược dòng” phát triển nhanh hơn.

Với kinh nghiệm điều hành công ty công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam cùng đội ngũ gần 2.500 nhân viên, Trưởng ban kiểm tra HAMI, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA Đinh Thị Thúy chia sẻ về cách DN vững vàng vượt qua khó khăn chung của đại dịch. “Thứ nhất, MISA tập trung đầu tư vào các sản phẩm thế mạnh trong lĩnh vực tài chính - kế toán. Thứ hai, MISA hợp lực với các DN cùng ngành. Thứ ba, MISA cắt giảm chi phí nhờ tập trung vào chính các giải pháp chuyển đổi số do chính MISA phát triển” - bà Đinh Thị Thúy chia sẻ.

Theo đó, MISA đang triển khai giải pháp chuyển đổi số đến 250.000 DN, trong đó nền tảng Quản trị DN hợp nhất MISA AMIS được xem như một chợ ứng dụng, gồm hàng chục phần mềm từ kế toán, hóa đơn điện tử, nhân sự, bán hàng, marketing đến quản lý công việc… Tùy vào nhu cầu, quy mô mà DN lựa chọn những gói khác nhau. Dữ liệu của MISA AMIS được lưu trữ trên Cloud và liên kết chặt chẽ giữa các phòng ban giúp DN cắt giảm chi phí và tăng năng suất công việc.

Đặc biệt, nằm trong nền tảng MISA AMIS, ứng dụng AMIS Kế toán online đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nghiệp vụ tài chính - kế toán của DN. Phần mềm này được thiết kế để xử lý tự động các hóa đơn đầu vào, liên kết chặt chẽ với các hệ thống khác như nhân sự, marketing, bán hàng… để có thể ghi nhận dữ liệu doanh thu, chi phí một cách hoàn toàn tự động.