Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuẩn bị kỹ cho kỳ thi vào lớp 10

Ngọc Tú – Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần một tháng trôi qua kể từ khi Sở GD&ĐT Hà Nội chính thức chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10 mới, nhiều trường THCS trên địa bàn đã chủ động lên kế hoạch ôn thi cho học sinh (HS).

Lên kế hoạch trước khi nghỉ Hè
Việc thay đổi phương án tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội khiến không ít HS cuối cấp bỡ ngỡ. Tuy nhiên, hầu hết các em đều đã bắt tay vào ôn tập theo hướng dẫn của giáo viên. “Ngay sau khi có thông báo, chúng em đã được nhà trường phổ biến. Hiện chúng em đang ôn luyện theo hướng dẫn của thầy cô, các câu hỏi trắc nghiệm đã nhiều hơn trước. Dù có chút lo lắng nhưng chúng em sẽ cố gắng học và thi thật tốt” – em Nguyễn Thành Nam, HS trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy) chia sẻ.
 Giờ học Toán của cô và trò trường THCS Thanh Xuân.  Ảnh: Thanh Hải
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Trương Thị Thu Hiền – Hiệu trưởng trường THCS Nam Trung Yên (Cầu Giấy) cho biết, khi thay đổi hình thức thi chắc chắn sẽ có khó khăn, bỡ ngỡ cho cả phụ huynh và HS, nhưng trường có kế hoạch và sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì mọi khó khăn đều có thể khắc phục được. “Chúng tôi đã lên kế hoạch học tập, định hướng cho HS từ trước kỳ nghỉ Hè, khi vào năm học lại có những thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp” – bà Hiền cho biết.

Không chỉ trường Nam Trung Yên, tại rất nhiều trường THCS trên địa bàn TP, cả thầy và trò đang gấp rút thực hiện song song vừa ôn tập hiệu quả, vừa học kiến thức mới. Một hiệu trưởng trường THCS tại quận Đống Đa chia sẻ, hình thức thi mới sẽ giúp HS học đều hơn, tránh học tủ, học lệch.

Sử dụng phần mềm để làm quen

Hiện nay, giáo viên đang nỗ lực giúp HS ôn tập hiệu quả. Mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ HS làm quen, giảm áp lực, có kỹ năng, kiến thức để phục vụ cho kỳ thi. Cô Kim Thanh – giáo viên trường THCS Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) cho biết, thời điểm này, cô đã định hướng cho HS cách học tập và ôn thi để mang lại kết quả tốt nhất. Theo đó, HS vừa học kiến thức toàn diện, vừa làm quen với hình thức thi mới.

Còn theo cô Trương Thị Thu Hiền, ngoại trừ môn Ngữ Văn, Toán và tiếng Anh, các đề kiểm tra của nhà trường luôn có tối thiểu là 30% và tối đa là 50% phần thi trắc nghiệm. Sắp tới, để đáp ứng đề thi tuyển sinh lớp 10 thi 100% trắc nghiệm, nhà trường sẽ thay đổi dần dần, chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm trong các bài kiểm tra, giúp HS làm quen dần. Bên cạnh đó, sử dụng phần mềm đảo trộn phần trắc nghiệm ở các môn để HS thuần thục hơn, áp dụng trong các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết. Việc này giúp các em không bị bất ngờ. Ngoài ra, việc xây dựng đề kiểm tra của trường sẽ dựa trên 4 mức độ từ nhận biết, thông hiểu tới vận dụng và vận dụng cao. Sau những bài kiểm tra định kỳ sẽ rút kinh nghiệm và lên kế hoạch dạy kèm cho HS, đặc biệt là môn Ngoại ngữ.

Lãnh đạo nhiều trường THCS cũng chia sẻ, môn Ngoại ngữ hiện nay đã được quy định trong kỳ thi, vì vậy để HS làm quen với thi cử và biết được trọng tâm của môn học, giáo viên cần củng cố thêm kiến thức, HS phải ôn luyện nhiều hơn, với lượng bài tập, số lần kiểm tra được tăng cường hơn. Đối với 6 môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, ngoài việc giúp HS nắm được trọng tâm, có kiến thức cơ bản nhất, các giáo viên cần phải hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm, giúp HS tổng hợp kiến thức. Trong các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết cũng sẽ có câu hỏi trắc nghiệm để HS chủ động học tập. “Quan trọng nhất là chất lượng học tập của HS. Chỉ cần nắm chắc kiến thức và các kỹ năng chương trình yêu cầu thì các em hoàn toàn có thể tự tin bước vào kỳ thi” – cô Hiền bày tỏ.