Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng chỉ nghề biên tập là điều kiện bắt buộc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thông tin từ đầu năm 2016, nhiều xuất bản phẩm sẽ không được lưu hành trên thị trường do tổng biên tập, biên tập viên (BTV) không có chứng chỉ hành nghề biên tập (đăng trên báo Kinh tế & Đô thị ngày 10/12), nhiều người tỏ ra bất ngờ.

Chứng chỉ nghề biên tập là điều kiện bắt buộc - Ảnh 1Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Chu Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) xung quanh vấn đề “chứng chỉ chồng chứng chỉ”.

Chứng chỉ hành nghề biên tập đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo ông, vì sao ngành xuất bản cần một loại chứng chỉ mà nhiều người quan niệm là “chứng chỉ chồng chứng chỉ” như hiện nay?

- Một vài năm gần đây, Nhà nước chủ trương xã hội hóa ngành xuất bản; ưu điểm của chính sách này là huy động được nguồn lực xã hội vào công tác xuất bản, còn nhược điểm là công tác quản lý bị buông lỏng nên tạo nhiều kẽ hở. Việc cấp chứng chỉ hành nghề biên tập chỉ là một trong những mấu chốt chấn chỉnh lại ngành xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản năm 2012. Hơn nữa, lâu nay BTV được xã hội giao vinh dự không nhỏ (là bộ sàng kiến thức trước khi đưa ra công chúng), nhưng trách nhiệm lại bỏ ngỏ. Chứng chỉ hành nghề biên tập sẽ giúp người ta nhìn lại trách nhiệm của mình.

Nhiều người cho rằng, BTV đã được phổ biến quy định về ngành trong quá trình đào tạo chuyên ngành, vậy thì lớp bồi dưỡng “Kiến thức pháp luật xuất bản và nghiệp vụ biên tập” ngắn hạn - điều kiện cần để cấp chứng chỉ hành nghề biên tập, có còn thiết thực?

- Lớp học này cập nhật thường xuyên những chủ trương mới của Nhà nước về vấn đề xuất bản, những vấn đề thời sự, nâng cao nghiệp vụ biên tập…, nên không thể nói là đã được học trong đào tạo chuyên ngành. BTV có nghề luôn luôn cần bổ sung những kiến thức, tư tưởng quan điểm mới.

Theo quan niệm của ông, chứng chỉ hành nghề biên tập là để kiện toàn chất lượng đội ngũ biên tập. Phải chăng chúng ta đang kỳ vọng quá nhiều về hiệu quả của lớp bồi dưỡng ngắn hạn chỉ có 10 ngày?

- Vấn đề của chứng chỉ hành nghề biên tập không chỉ dừng là một lần mở lớp bồi dưỡng, mà ngành xuất bản quản lý biên tập thông qua việc cấp hoặc thu hồi chứng chỉ. Trong luật quy định, những trường hợp sau sẽ bị thu hồi chứng chỉ: Một năm có 2 xuất bản phẩm vi phạm, hoặc 2 xuất bản phẩm phải thu hồi chỉnh sửa, hoặc 1 xuất bản phẩm thu hồi tiêu hủy. Ngoài ra, BTV không tham gia các khóa đào tạo cập nhật của cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ không được công nhận có chứng chỉ hành nghề. Khóa học này tổ chức 2 năm một lần cập nhật vấn đề thời sự, chính sách của Đảng, Nhà nước, trao đổi nâng cao nghiệp vụ biên tập.

Nhiều sinh viên mới ra trường có đủ điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập. Quy định này có hợp lý đối với một ngành nghề đòi hỏi nhiều kinh nghiệm?

- Đây đang được coi là khe hở. Ban đầu theo dự thảo, chúng tôi tư vấn Chính phủ cần có quy định người được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xuất bản. Nhưng đến nay, quy định đó không có, nên sinh viên mới ra trường có đủ điều kiện vẫn được cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, có nhiều lĩnh vực như biên tập sách công nghệ thông tin, sách tiếng Anh… lại cần đội ngũ biên tập trẻ.

Sau khi quy định về chứng chỉ hành nghề biên tập có hiệu lực, nhiều NXB sẽ không có quyền được xuất bản các ấn phẩm do tổng biên tập chưa có chứng chỉ hành nghề. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cả một NXB với nhiều con người. Ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm cho sự đình trệ đó?

- Đối với những trường hợp này, cá nhân tổng biên tập phải chịu trách nhiệm. Bởi năm 2014, Cục đã gửi 10 công văn nhắc nhở đề nghị các NXB cử các chức danh phải tham gia khóa học theo yêu cầu của Bộ TT&TT, nhưng nhiều đơn vị vẫn không tham gia đầy đủ, thì đó là trách nhiệm của NXB. Luật không chờ ai, đến ngày 1/1/2016, NXB nào có tổng biên tập, hoặc BTV chịu trách nhiệm biên tập xuất bản phẩm không có trong danh mục có chứng chỉ nghề, chúng tôi sẽ không cấp cho lưu chiểu.

Xin cảm ơn ông!