Penny hút tiền
Nhóm VN30 ghi nhận diễn biến tích cực tại GVR tăng 4,3% lên 16.850 đồng, MWG tăng 2,8% lên 39.000 đồng, NVL, STB, PDR, VIB đều tăng trên 2%. Trong khi đó, các cổ phiếu lớn như VCB, VHM, VNM, HPG, GAS, PLX, BID lại giảm, dù mức giảm chỉ dưới 1%. Còn VIC, MSN, TCB đóng cửa tại tham chiếu.
Dòng tiền tổng thể trên thị trường hiện còn yếu, nên nhà đầu tư có xu hướng tìm đến các cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ, vốn có biên độ giá mạnh hơn, đồng nghĩa với cơ hội tăng giá cao hơn. Dòng tiền lướt sóng ngắn hạn luân chuyển rất nhanh và phiên 10/5 đã tìm về các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, đặc biệt là hướng đến những mã thị giá vừa và nhỏ. “Mưa” cổ phiếu tăng trần xuất hiện ở nhóm xây dựng, bất động sàn: VPH, MGT, TIG, QCG, VC7, UDC, BII, VRC, VE1, PTC. DXG là điểm nhấn chính trong phiên với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,7 triệu đơn vị - cao nhất thị trường, và ghi nhận phiên có khối lượng giao dịch tốt nhất kể từ cuối tháng 11/2022.
Các mã có thanh khoản cao khác là DLG với hơn 9,2 triệu đơn vị khớp lệnh, FIT có 7,5 triệu đơn vị, SAM khớp 3,7 triệu đơn vị, HAR và ITC khớp hơn 1,1 triệu đơn vị…
Các cổ phiếu nhóm bán buôn, sản xuất như KVC, KVC, BKG, TLT, HPB, TSC, PSH, TNA, STB, QBS, SMA... tăng hết biên độ. Ngành vận tải kho bão có TJC, QSP, DL1... tăng trần.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, VN-Index tăng 4,49 điểm (0,43%) lên 1.058,26 điểm. HNX-Index tăng 1,94 điểm (0,92%) lên 213,89 điểm. UPCoM-Index tăng 0,5 điểm (0,64%) lên 78,84 điểm.
Chứng khoán nóng chuyện tăng vốn
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng thu hút nhà đầu tư, với những cái tên VIX, VND và SSI thuộc top thanh khoản cao nhất sàn, khớp từ 14,1 triệu đến hơn 19 triệu đơn vị, nhưng đều chỉ có mức tăng không cao, từ 1,1% đến hơn 2%. Ngoài diễn biến tích cực trên sàn, nhóm chứng khoán đang chứng kiến làn sóng tăng vốn. Mùa đại hội cổ đông năm nay, hàng loạt công ty chứng khoán trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ với mức tăng rất lớn.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã VCI) đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, với tỷ lệ 30%, để nâng vốn điều lệ lên hơn 4.350 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP với giá 12.000 đồng/cổ phiếu (trong khi giá đóng cửa phiên 4/5/2023 là 32.500 đồng/cổ phiếu).
Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3.806 tỷ đồng lên 4.377 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu để chia cổ tức (tỷ lệ 12%) và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 3%). Hay Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự kiến phát hành gần 15 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 1.878 tỷ đồng lên gần 2.028 tỷ đồng, trong đó 9,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 5% và hơn 5,6 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 3%.
Đại hội cổ đông Công ty Chứng khoán Nhất Việt (mã VFS) đã thông qua kế hoạch tăng vốn gấp 3 lần, lên 2.400 tỷ đồng, qua hai hình thức: chào bán riêng lẻ và phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1. Nguồn vốn tăng thêm dự kiến phục vụ cho hoạt động tự doanh chứng khoán và cho vay ký quỹ.
Chứng khoán Tiên Phong - TPS (mã ORS) cũng lên phương án phát hành thêm 200 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng thông qua 2 phương án: Thứ nhất, phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 hoặc 2:1. Giá phát hành dự kiến không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thứ hai là chào bán riêng lẻ tối đa 200 triệu cổ phiếu, giá không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 hoặc quý I/2024.
Nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, sự phân hóa vẫn được thể hiện khá rõ ràng khi dòng tiền vẫn tìm đến những mã cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân thêm từ 10-20% đối với những cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục thuộc các nhóm ngành như dầu khí, bất động sản khu công nghiệp.