Chứng khoán 11/9: Khối ngoại xả ròng đột biến, VPB hút nhà đầu tư nước ngoài

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong phiên ngày 11/9, khối ngoại xả ròng khối lượng đột biến hơn 36 triệu đơn vị cổ phiếu, tương đương gần 1.000 tỷ đồng.

Loạt cổ phiếu địa ốc giảm sâu, VN-Index mất gần 18 điểm

Sau khi Vinfast được nhắc đến trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp chiếu qua, mở đầu phiên sáng, VIC có sự phục hồi mạnh mẽ.  VIC đã có lúc bật tăng 3,89%, VHM tăng 1,7%, VNM tăng 1,38%, GVR tăng 2,42%, GAS tăng 1,27%..., tuy nhiên các blue-chips đã không đủ lực cầu nâng đỡ ở vùng giá cao. Lực bán từ khối ngoại đã đẩy top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn về vùng giá đỏ. Duy nhất chỉ có VIC kết phiên với mức giá tham chiếu là 59.100 đồng/cp.

Toàn sàn có 600 mã giảm giá, 227 mã tăng giá và 722 mã đứng giá
Toàn sàn có 600 mã giảm giá, 227 mã tăng giá và 722 mã đứng giá

Loạt cổ phiếu địa ốc tăng nóng thời gian qua cũng giảm sâu trước áp lực chốt lời: HPX (-6,98%); NVL (-6,82%); QCG (-5,67%); HQC (-5,22%); DIG(-5,44%), DXG (-6,19%)... NVL là cổ phiếu tiêu cực nhất khi kết phiên đóng cửa ở mức giá sàn và dư bán sàn gần 1,3 triệu đơn vị.

Các trụ đỡ chính chỉ còn sót lại SAB tăng 4,3%, VPB tăng 0,46%. Trong đó chỉ có SAB duy trì được mức tăng tốt.

Liên quan đến cổ phiếu SAB, mới đây, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) đã thông báo chốt quyền phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/9/2023. Với tỷ lệ thực hiện 1:1, tức 100% (cổ đông sở hữu 1 cp được nhận 1 cp mới), SAB sẽ phát hành gần 641,3 triệu cp thưởng cho cổ đông. Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tại ngày 31/12/2022, căn cứ theo báo cáo tài chính riêng năm 2022 đã kiểm toán (hơn 13,073 tỷ đồng). Trong đó, số tiền sử dụng để phát hành cổ phiếu tăng vốn gần 6,413 tỷ đồng. Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của SAB sẽ tăng lên gấp đôi lên xấp xỉ 12,826 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên “ông lớn” ngành bia phát hành tăng vốn từ khi lên sàn chứng khoán vào năm 2016.

Trong phiên hôm nay, khối ngoại xả ròng  gần 1.000 tỷ đồng, lớn nhất trong vòng 2 tuần trở lại đây. Cổ phiếu bị khối ngoại xả nhiều nhất trong phiên hôm nay là HPG với tổng giá trị hơn 209 tỷ đồng.

Kết phiên hôm nay 11/9, VN-Index đóng cửa ở mức 1.223,63 điểm, giảm 17,85 điểm, tương đương 1,44%. HNX-Index giảm gần 5 điểm xuống 251,33 điểm.

VPBank thu hút nhà đầu tư ngoại sau khi nới room

Ngay sau khi chính thức nới room ngoại lên 30%, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong các phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu VPB là cổ phiếu dẫn đầu ở chiều mua ròng của khối ngoại với gần 432,4 tỷ đồng trong phiên ngày 6/9, bán ròng nhẹ trong ngày 7/9 và quay trở lại mua ròng gần 524,2 tỷ đồng trong ngày 8/9. Tính trong cả tuần, khối ngoại đã mua ròng 856,4 tỷ đồng cổ phiếu VPB, chủ yếu thực hiện qua kênh thỏa thuận. Theo dữ liệu từ HSX, room ngoại của VPBank đã tăng từ 16,37% ngày 31/8 lên mức 28,32% vào ngày 8/9.

VPB tăng 21.6% thị giá từ đầu năm
VPB tăng 21.6% thị giá từ đầu năm

Trong phiên hôm nay, khối ngoại bán ròng nhẹ 19 tỷ cổ phiếu VPB. Bất chấp thị trường đỏ lửa, cổ phiếu này vẫn tăng nhẹ 0,46% và đóng cửa ở mức 21.900 đồng/cp. 

Sáng qua 10/9, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký Cam kết khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD kỳ hạn 7 năm. Trước khoản vay được cấp bởi DFC, VPBank đã liên tiếp huy động thành công nhiều khoản vay tài chính bền vững quốc tế có quy mô lớn, với tổng giá trị lên tới hơn 1 tỷ USD từ năm 2020.