Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 19/2: Thanh khoản tăng mạnh, khối ngoại đổ tiền vào cổ phiếu họ Vin

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh khoản trong sáng nay đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại đổ tiền mua các cổ phiếu họ Vin; VHM 95 tỷ, VRE 90 tỷ, VIC 64 tỷ...

Thanh khoản thị trường cao đột biến

Hôm nay 19/2, thị trường chứng khoán khởi động tuần giao dịch mới trong sắc xanh, VN-Index vượt mốc 1.210 điểm. Đến 10 giờ 10, đà tăng nới rộng lên hơn 9 điểm ngay sát mốc 1.220 điểm.

Nhóm VN30 có 14 mã tăng giá trong đó cổ phiếu VIC có lúc tăng cận trần lên mức 46.800 đồng/cp. Cổ phiếu VRE cũng tăng 5,33% và VHM tăng 3,16%. Chỉ riêng 3 mã này góp cho VN-Index hơn 5 điểm tăng

Ngoài ra, các mã như GVR, GAS, MSN, POW, VNM, PLX cũng tăng từ 2-4%. Ở chiều ngược lại, hầu hết các mã ngân hàng rổ VN30 đang điều chỉnh nhẹ ngoại trừ TCB và SHB còn xanh nhạt.

Nhóm bất động sản đang có mức tăng khá ấn tượng trên thị trường. Trong đó nổi bật có CCL tăng kịch trần, VHM tăng 3,16%, VIC tăng 5,8% và VRE tăng 5,33%... Trái lại, vẫn còn một phần khá lớn các mã đang đứng giá và giảm nhẹ.

Toàn thị trường có 301 mã tăng, 354 mã giảm.
Toàn thị trường có 301 mã tăng, 354 mã giảm.

Theo sau là ngành bảo hiểm cũng đang được dòng tiền chú ý với BHI tăng 10,58%, BMI tăng 1,17%, PRE tăng 5.56%. Cùng với nhóm ngân hàng, các cổ phiếu chứng khoán - thép chủ yếu giảm giá.

Ở nhóm riêng lẻ, cổ phiếu ST8, POM, FIR đang tăng mạnh từ 4% đến giá trần. Nhóm cổ phiếu họ P như PVB, PLX, POW, PVC, PVD, PVS tăng từ 1-3,5%.

Thanh khoản thị trường đạt hơn 16.000 tỷ đồng trong đó sàn UPCoM ghi nhận khớp lệnh đột biến hơn 2.000 tỷ (chủ yếu là giao dịch thỏa thuận 1.630 tỷ đồng ở cổ phiếu bảo hiểm BHI).

Kết phiên sáng, thị trường chứng khoán thu hẹp biên độ tăng, VN-Index tạm kết phiên sáng tăng 4,42 điểm lên 1.214 điểm, tương đương 0,37%.

Các cổ phiếu ngân hàng vẫn gây sức ép trong suốt phiên sáng. Các mã nhóm ngân hàng ACB, VPB, MBB, HDB đang gặp phải áp lực bán nhưng mức giảm cũng không quá mạnh, đồng thời góp phần lấy đi hơn 2 điểm từ chỉ số. CTG trở thành cổ phiếu tiêu cực nhất thị trường trong phiên khi lấy đi của chỉ số chung 0,83 điểm. Cổ phiếu này giảm 1,84% xuống còn 34.600 đồng/cp, khiến vốn hóa của Vietinbank giảm xuống còn 185 nghìn tỷ, tụt xuống thứ 4 trong bảng xếp hạng vốn hóa, nhường vị trí thứ 3 cho VHM.

Được khối ngoại "rót tiền", cổ phiếu họ Vin cân cả thị trường

Khối ngoại sáng nay bán ròng 63 tỷ đồng, trong đó tập trung vào VND (bị bán hơn 108 tỷ đồng), VNM hơn 62 tỷ... ở chiều ngược lại, khối ngoại đổ tiền mua các cổ phiếu họ vin; VHM 95 tỷ, VRE 90 tỷ, VIC 64 tỷ...

Không chỉ tăng giá, cổ phiếu "họ Vin" thu hút sự chú ý của dòng tiền với khối lượng giao dịch tăng mạnh. Tính đến hiện tại, VIC khớp lệnh hơn 6,3 triệu cổ phiếu, tăng gần 34% so với khối lượng khớp lệnh của cả phiên trước đó và cao hơn 73% so với trung bình 10 phiên gần đây. Tương tự, VRE khớp lệnh hơn 9,4 triệu cổ phiếu và VHM khớp lệnh hơn 8,3 triệu đơn vị.

Cổ phiếu Vingroup bật tăng mạnh mẽ sau thông tin hãng xe điện VinFast (VFS) có tín hiệu tốt về việc triển khai bán hàng trên phạm vi toàn cầu. Hôm 15/2, VinFast đã giới thiệu dải xe điện tay lái nghịch tại Triển lãm Ô tô quốc tế Indonesia (IIMS) 2024 ở Jakarta - nhằm triển khai bán hàng tại nước này. Trong đó, các mẫu xe VF 5, VF e34, VF 6 và VF 7 thuộc các phân khúc từ A tới C dự kiến sẽ được bán ra trên thị trường này trong thời gian tới.

Theo chiến lược phát triển dài hạn tại Indonesia, VinFast sẽ xây dựng cơ sở sản xuất có công suất lên đến 50.000 xe điện mỗi năm. Với mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa lên đến 40%, dự án nhà máy VinFast được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội việc làm và thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện địa phương. 

Trước đó VinFast cho biết có kế hoạch đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD vào thị trường Indonesia trong dài hạn. Trong đó, khoảng 200 triệu USD dành cho việc xây dựng nhà máy.