VN-Index đảo chiều tăng gần 7 điểm, nhóm VN30 bứt phá cuối phiên
Kinhtedothi - VN-Index đảo chiều tăng 6,99 điểm, chốt phiên tại 1.217,25 điểm sau khi dòng tiền đảo chiều vào cuối phiên.
Thị trường tích cực, VN-Index tăng gần 7 điểm cuối phiên
Thị trường chứng khoán ngày 17/4 ghi nhận diễn biến tích cực vào cuối phiên khi lực cầu bất ngờ gia tăng mạnh ở nhóm VN30 ngay trước phiên ATC. VN-Index theo đó đảo chiều tăng 6,99 điểm, chốt phiên tại 1.217,25 điểm. HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng nhẹ, đồng thuận với xu hướng hồi phục.

Tâm điểm của phiên giao dịch đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30. VIC dẫn đầu đà hồi phục khi tăng 4,6%, đóng cửa tại 71.000 đồng/cổ phiếu. Các mã khác như SSB, BVH, GVR, VJC cũng tăng mạnh trên 3%, trong khi TPB, FPT, MSN, PLX, LPB tăng từ 1–2%. Ngược lại, nhóm ngân hàng ghi nhận sự phân hóa với BID và VCB lần lượt giảm 0,4% và 2%.
Cổ phiếu Hòa Phát (HPG) không biến động, giữ giá tham chiếu tại 25.500 đồng/cổ phiếu, dù tổ chức Đại hội cổ đông thường niên trong ngày. Đáng chú ý, cổ phiếu VIC ghi nhận giao dịch đột biến khi bị khối ngoại bán ròng tới 66,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị khoảng 4.440 tỷ đồng – mức bán ròng lớn nhất trong nhiều phiên trở lại đây.
Ngoài nhóm VN30, các cổ phiếu midcap cũng cho thấy tín hiệu tích cực. GEE tăng trần sau khi công bố lợi nhuận trước thuế quý I/2025 tăng gấp 4,2 lần cùng kỳ, đạt mức cao kỷ lục theo quý. Cổ phiếu GMD cũng đóng cửa tại mức giá trần. HVN (Vietnam Airlines) tăng gần kịch trần lên 32.800 đồng/cổ phiếu, nối dài đà hồi phục nhờ kỳ vọng vào tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt khoảng 23.000 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh gần 4.600 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào mã VIC.
Về diễn biến ngành, du lịch và giải trí dẫn đầu mức tăng 4,6%, với HVN tăng 6,49%, cùng VJC, SCS vượt mốc 3%. Nhóm bất động sản bứt phá 1,36%, nổi bật là VIC, KBC, DIG, DXS, SZC, HDG tăng từ 2–5%. Ngành công nghệ thông tin cũng tăng 1,36%, trong đó FPT tăng 1,39%, tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt.
Dịch vụ tài chính và dầu khí cũng có phiên khởi sắc, lần lượt tăng gần 1% và 1,69%, với sự dẫn dắt của VCI, CTS, PLX và PVS. Các ngành sản xuất nền tảng như xây dựng – vật liệu, tài nguyên cơ bản, hóa chất cũng cho thấy dấu hiệu hồi phục rõ rệt.
Dù nhóm ngân hàng điều chỉnh nhẹ 0,27%, nhưng nhiều mã vẫn duy trì đà tăng tốt như LPB (+2,91%), VAB (+2,91%) và SSB (+3,48%). Diễn biến tích cực và sự lan tỏa dòng tiền cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang dần ổn định trở lại sau những phiên điều chỉnh trước đó.
Giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi bán ròng mạnh tay 4.585 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Cụ thể: Chiều bán, cổ phiếu VIC bị bán ròng đột biến 4.446 tỷ đồng, chủ yếu qua thỏa thuận. Theo sau, các mã khác cũng bị bán ròng hàng chục tới hơn trăm tỷ đồng còn có VNM (-120 tỷ); HPG (-98 tỷ); STB (-85 tỷ),... Ngược chiều, cổ phiếu FPT được mua ròng mạnh nhất toàn thị trường với giá trị lên tới 117 tỷ đồng, một cổ phiếu khác cũng được mua ròng hơn trăm tỷ là VCI. Cổ phiếu MWG, VHM và HVN đồng loạt được mua ròng từ 44 tỷ tới 79 tỷ đồng.
Cổ phiếu của “ông trùm” bất động sản CTX tăng kịch trần sau khi trở lại sàn
Sau gần hai năm bị đình chỉ giao dịch, cổ phiếu CTX của Tổng Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam đã chính thức trở lại sàn từ ngày 15/4 và nhanh chóng tạo ra “cú sốc” tích cực trên thị trường.
Chốt phiên ngày 17/4, CTX tăng kịch trần 14,44% lên 10.300 đồng/cổ phiếu, ghi nhận phiên tăng trần thứ ba liên tiếp với biên độ tăng mạnh lần lượt +15,79%; +13,92% và +14,44%. Trong phiên, mã này có hơn 43.200 cổ phiếu khớp lệnh và không còn dư bán, cho thấy lực cầu mạnh mẽ từ phía nhà đầu tư.
Từng bị ngừng giao dịch kể từ giữa năm 2022, sự trở lại của CTX thu hút sự chú ý lớn bởi đây là doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án đình đám. CTX là chủ đầu tư của các công trình như khách sạn 5 sao Pao’s Sapa Leisure Hotel (Lào Cai), khách sạn Champa Legend (Nha Trang), khu căn hộ PentStudio Tây Hồ (Hà Nội), dự án “đất vàng” CTX Complex A1 (Cầu Giấy, Hà Nội), cùng loạt dự án sinh thái ven biển tại Quảng Nam.
Việc CTX “tái xuất” đúng vào thời điểm thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục, cùng tâm lý tích cực từ nhà đầu tư sau chuỗi điều chỉnh của thị trường, được cho là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy đà tăng ấn tượng của cổ phiếu này.

Chứng khoán tuần 8/4 - 11/4: Biến động mạnh, VN-Index phục hồi 2 phiên cuối
Trong tuần giao dịch, chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường sau những phiên giảm điểm đầu tuần, phần lớn nhờ thông tin Mỹ hoãn thời gian áp thuế đối ứng. Kết tuần VN-Index tăng 0,97% lên mức 1.222,46 điểm, duy trì trên vùng giá 1.200 điểm.

Kỷ lục chứng khoán Việt: VN-Index tăng nhanh nhất lịch sử, ngày vui màu tím kéo dài bao lâu?
Kinhtedothi- Lần đầu tiên, TTCK Việt Nam chứng kiến chỉ số VN-Index tăng hơn 70 điểm trong chớp mắt, ghi nhận mức tăng nhanh nhất lịch sử. Trong tuần, có phiên, làn sóng tranh mua và không có bên bán đối ứng với thanh khoản nhỏ giọt đã diễn ra. Bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối Khách hàng Tổ chức, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT đã có những trao đổi về xu hướng và khuyến nghị đầu tư thời gian tới.

Chứng khoán Mỹ trải qua tuần “tàu lượn siêu tốc”, Dow Jones nhảy vọt 600 điểm
Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng mạnh trong phiên ngày 11/4 khi giới đầu tư được trấn an bởi các phát biểu ôn hòa từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).