Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Chứng khoán Mỹ trải qua tuần “tàu lượn siêu tốc”, Dow Jones nhảy vọt 600 điểm

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng mạnh trong phiên ngày 11/4 khi giới đầu tư được trấn an bởi các phát biểu ôn hòa từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 tăng 1,81%, lên mức 5.363,36 điểm. Chỉ số Dow Jones cộng 619,05 điểm, tương đương 1,56%, đạt 40.212,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng leo dốc 2,06%, đóng cửa ở mức 16.724,46 điểm.

Chứng khoán Mỹ đảo chiều đi lên trong phiên ngày thứ Sáu.Ảnh: Wsj.com

Các chỉ số trên sàn Phố Wall phục hồi mạnh ở cuối phiên sau khi Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Donald Trump “lạc quan” rằng Trung Quốc sẽ tìm kiếm một thỏa thuận với Mỹ. Đây được xem là "liều thuốc tinh thần" cho thị trường sau những phiên “lao dốc không phanh” vào giữa tuần.

Phiên tăng này khép lại một trong những tuần biến động mạnh nhất trong lịch sử ở Phố Wall.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, chứng khoán Mỹ bị bán tháo ồ ạt khi tâm lý thận trọng với rủi ro tăng cao vì những diễn biến khó lường của xung đột thương mại khiến giới đầu tư bi quan. Trước đó, thị trường đã có phiên tăng lịch sử sau khi ông Trump tuyên bố tạm hoãn trong 90 ngày việc áp thuế suất cao hơn của gói thuế đối ứng.

Khép phiên giao dịch ngày 10/4, chỉ số S&P 500 giảm gần 3,5%, Dow Jones mất hơn 1.000 điểm và Nasdaq trượt 4,3%. Trước đó, trong ngày thứ Tư, chỉ số S&P 500 tăng hơn 9,5%, đánh dấu phiên tăng mạnh thứ ba kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong khi Dow Jones nhảy vọt hơn 2.900 điểm.

Chỉ số biến động CBOE (VIX), được xem là thước đo nỗi sợ hãi của thị trường, giảm về 37 điểm sau khi tăng vọt lên hơn 50 điểm vào đầu tuần trước.

Nguyên nhân chính của sự hỗn loạn trên thị trường cổ phiếu đến từ chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Trump.

Theo xác nhận của một quan chức Nhà Trắng, dù hạ thuế đối ứng về mức cơ sở 10% cho tất cả các đối tác thương mại bị áp thuế này, Mỹ tăng thuế lên tổng cộng 145% đối với Trung Quốc.

Trung Quốc tuyên bố áp thuế 125% lên hàng Trung Quốc để trả đũa, thay cho mức thuế 84% công bố trước đó.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cho biết đại diện thương mại của họ sẽ sang Mỹ vào ngày Chủ nhật để “cố gắng đạt thỏa thuận”.

Ông Darrell Cronk - Chủ tịch Viện Đầu tư Wells Fargo, nhận định: “Chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự thay đổi thương mại toàn cầu. Việc tạm hoãn mức thuế đối ứng trong 90 ngày giúp đảo ngược tạm thời sự bán tháo trên thị trường, nhưng cũng chính quyết định này khiến tình trạng bấp bênh kéo dài hơn”.

Sau những phiên trồi sụt trong tuần, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều phục hồi đáng kể trong tuần. Cụ thể, chỉ sốS&P 500 cộng 5,7%, ghi nhận tuần giao dịch tốt nhất kể từ tháng 11/2023. Nasdaq leo dốc 7,3% và chứng kiến tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Dow Jones cũng tăng gần 5% cả tuần.

Dù vậy, cả ba chỉ số chính đều đã giảm nhiều so với trước ngày 2/4, thời điểm ông Trump công bố thuế quan đối ứng. Từ đó đến nay, chỉ số S&P 500 đã sụt hơn 5%.

Cuộc chiến thuế quan đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế Mỹ, khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng tăng trưởng giảm tốc và lạm phát tăng nhiệt trở lại.

Số liệu mới nhất về niềm tin người tiêu dùng Mỹ cho thấy tâm lý người tiêu dùng nước này trong tháng 4 xấu hơn so với dự báo. Bên cạnh đó, kỳ vọng của người tiêu dùng Mỹ về lạm phát cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981, theo một cuộc khảo sát của Đại học Michigan.

Trước tình hình bất ổn trên thị trường, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi thông điệp trấn an nhà đầu tư.

Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams hôm 11/4 cho biết, kinh tế Mỹ không bước vào giai đoạn lạm phát cao và tăng trưởng thấp, và Fed sẽ can thiệp kịp thời để ngăn tình trạng “lạm phát đình trệ”.

Bên cạnh đó, chủ tịch Fed chi nhánh Boston, bà Susan Collins, tuyên bố rằng Fed sẵn sàng hành động nếu cần thiết để đảm bảo thị trường tài chính tiếp tục hoạt động ổn định.

Một dấu hiệu cho thấy mức độ biến động lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ là khoảng cách giữa ngưỡng cao và thấp nhất trong tuần của S&P 500 đã đạt mức rộng nhất kể từ cuối tháng 3/2020 - thời điểm nhiều nơi trên thế giới bị phong tỏa vì đại dịch Covid-19.

“Giới đầu tư đang bị giằng co giữa kỳ vọng và lo lắng, họ tìm kiếm những tín hiệu tích cực rằng bất ổn sẽ sớm chấm dứt. Tuy nhiên, diễn biến “tàu lượn” tuần này có thể mới chỉ là khởi đầu”, ông Greg Bassuk, Giám đốc điều hành AXS Investments tại New York đánh giá.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ