Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tin tức kinh tế 18/4: giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trở lại vị trí số 1

Kinhtedothi – Giá vàng lập đỉnh 120 triệu đồng/lượng; giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trở lại vị trí số 1; giá tiêu tăng mạnh… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 18/4.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trở lại vị trí số 1

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu tháng 4/2025 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang hồi phục. So sánh trong các nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hiện giá gạo tẻ thường tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã trở lại vị trí số 1, với 397 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo tẻ thường 5% tấm của Thái Lan là 395 USD/tấn, Pakistan là 387 USD/tấn và Ấn Độ là 376 USD/tấn. Nhiều thương nhân của Việt Nam đã xuất khẩu được gạo 5% tấm với giá vượt ngưỡng 400 USD/tấn.

Tin tức kinh tế 18/4: giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trở lại vị trí số 1. Ảnh minh hoạ

Chủ tịch VFA Đỗ Hà Nam, nhận định giá gạo tăng hiện nay là do vụ thu hoạch lúa Đông Xuân đã kết thúc, nên nguồn cung gạo không còn nhiều, trong khi các khách hàng truyền thống luôn có nhu cầu cao và ổn định với gạo Việt Nam.

Giá vàng lập đỉnh 120 triệu đồng/lượng

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay giảm mạnh xuống 3.327 USD/ounce, thấp hơn hôm qua 13 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 117 - 120 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 1,5 - 2 triệu đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua. Đây là mức giá cao nhất mặt hàng này từng ghi nhận.

Trong khi đó, vàng nhẫn SJC loại 999,9 niêm yết ở mức 114-117 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên cả 2 chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua. Đây cũng là mức giá cao nhất lịch sử đối với vàng nhẫn SJC 999,9.

Kiều hối về TP Hồ Chí Minh quý I đạt gần 2,5 tỷ USD

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực 2 cho biết, tổng lượng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh tính đến cuối tháng 3 đạt 2,412 tỷ USD, bằng 25,3% so với cả năm 2024 và tăng 19,6% so với quý IV/2024.

Trong đó, lượng kiều hối chuyển về qua các công ty kiều hối trong quý đạt 1,757 tỷ USD và qua các ngân hàng thương mại đạt 655 triệu USD. Kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 48,7% và tăng 46,1% so với quý IV/2024. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với các khu vực khác.

So với cùng kỳ các năm trước, lượng kiều hối chuyển về quý I/2025 tuy có thấp hơn quý I/2024 (2,896 tỷ USD), tuy nhiên, vẫn ghi nhận cao hơn quý I/2023 (2,119 tỷ USD) và quý I/2022 (1,775 tỷ USD).

Giá tiêu tăng mạnh

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tháng 3/2025 ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu hồ tiêu rất tích cực. Cụ thể, Việt Nam đã xuất khẩu 20.244 tấn hồ tiêu, bao gồm 17.493 tấn tiêu đen và 2.751 tấn tiêu trắng, thu về 141,6 triệu USD. So với tháng trước, tăng 41,3% về sản lượng và tăng 45,6% về kim ngạch. Giá xuất khẩu hồ tiêu trong quý I/2025 ghi nhận mức tăng đáng kể, trong đó giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 6.711 USD/tấn, tăng 94,9% và tiêu trắng đạt 8.617 USD/tấn, tăng 73,9% so với cùng kỳ năm 2024.

Về thị trường xuất khẩu hồ tiêu, Mỹ là thị trường lớn nhất, với khối lượng xuất khẩu đạt 10.278 tấn trong quý I, giảm 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Ấn Độ với khối lượng xuất khẩu đạt 3.370 tấn, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Đức ở vị trí thứ 3, với 3.358 tấn, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2024...

Ngành thuế thu hồi được 22.352 tỷ đồng nợ thuế

Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, công tác thu nợ thuế đạt kết quả tích cực, trong tháng 3/2025 đã thu được 5.103 tỷ đồng, lũy kế 3 tháng là 22.352 tỷ đồng, bằng 83,2% so với cùng kỳ năm 2024.

Cũng theo Cục Thuế, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành này lũy kế 3 tháng đầu năm 2025 đạt 668.313 tỷ đồng, bằng 38,9% dự toán và bằng 136,3% so với cùng kỳ.

Có 40/63 địa phương có số thu đạt khá trên 30% dự toán; 8/63 địa phương đạt dưới 26% dự toán. Có 56/63 địa phương tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm 2024; 7/63 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (Bắc Kạn, Quảng Ngãi, An Giang, Trà Vinh, Hà Giang, Long An, Thanh Hóa). 

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam: cần khung pháp lý cho “phép thử” các mô hình tài chính số

Xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam: cần khung pháp lý cho “phép thử” các mô hình tài chính số

16 Apr, 04:45 PM

Kinhtedothi- Để xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam, các chuyên gia kiến nghị xây dựng môi trường đầu tư bình đẳng, minh bạch và có sự cạnh tranh cao để thu hút nguồn lực tài chính toàn cầu. Trong đó, Việt Nam cần thử nghiệm các mô hình tài chính số như fintech, blockchain, và xây khung pháp lý minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ