Cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng giảm la liệt, đốm xanh lẻ loi mang tên OCB
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận giảm điểm trở lại trong phiên hôm nay 21/9. Áp lực bán mạnh diễn ra trong phiên chiều khi các nhóm cổ phiếu trụ cột lần lượt bị đốn gục. Bắt đầu từ nhóm cổ phiếu chứng khoán, lực bán mạnh lan tỏa sang các nhóm ngành khác, bất động sản, ngân hàng, dệt may… đồng loạt rớt giá. Những nhóm ngành đang tăng giá tích cực cũng thu hẹp biên độ, thậm chí đảo chiều đi xuống.
Chứng khoán là nhóm "thê thảm" nhất thị trường phiên này với mức giảm 4,4%. BSI giảm kịch sàn 7%, VCI mất 5,62%, CTS, FTS đều giảm hơn 5%. Đặc biệt mã SSI, VND là những mã dẫn sóng của ngành mất tới hơn 4% khiến nhà đầu tư lo lắng, bởi đây được xem là nhóm cổ phiếu mạnh nhất thị trường trong đợt giảm mạnh gần đây.
Sắc đỏ bao trùm các cổ phiếu trong rổ VN30 với 22/30 mã giảm giá. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản cũng trở thành tác nhân khiến thị trường giảm mạnh hơn về cuối phiên. VIC giảm 2,4% còn 52.200 đồng/cp, VHM giảm 1%; NVL cũng đảo chiều giảm 1,6%; các mã PDR, KDH, DIG, CEO, KBC, NLG,... cũng chung số phận.
Ở nhóm ngân hàng, OCB là mã nổi bật nhất thị trường với mức tăng 1,4% lên 14.700 đồng/cp. Ngoại trừ SSB đứng giá, toàn bộ cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 đều đóng cửa trong sắc đỏ.
VN-Index kết phiên giảm 13,37 điểm quay trở về mức 1.112 điểm. Các chỉ số sàn HNX và UPCoM cũng đóng cửa tại mức gần thấp nhất ngày.
HPG bị khối ngoại xả gần 60 triệu cổ phiếu sau 12 phiên
Trong phiên hôm nay, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát bị xả ròng mạnh nhất với quy mô hơn 206,6 tỷ đồng. Thống kê trong 13 phiên gần đây, khối ngoại đã bán ròng cổ phiếu Hòa Phát 12 phiên, tổng khối lượng hơn 60 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 1.600 tỷ đồng. Kết phiên hôm nay, cổ phiếu HPG đóng cửa ở mốc tham chiếu là 28.400 đồng/cp.
Liên quan đến Tập đoàn Hòa Phát, mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên vừa có buổi làm việc với Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát về việc bố trí mặt bằng quy hoạch cảng Bãi Gốc - một trong 4 dự án với tổng vốn 5 tỷ USD mà tập đoàn này đề xuất đầu tư tại tỉnh Phú Yên. Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát vừa đề xuất các phương án bố trí mặt bằng quy hoạch Cảng Bãi Gốc tại xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Phương án bố trí mặt bằng quy hoạch Cảng Bãi Gốc do Hòa Phát đề xuất gồm quy mô bến cảng, công suất, đê chắn sóng, quy mô nhà máy thép; phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án và đề xuất phương án khả thi… Việc bố trí mặt bằng khu vực cảng được phân chia riêng biệt cho các khu chức năng là cảng dầu, cảng phục vụ nhà máy thép, bến cảng tổng hợp, bến công vụ.
Sau khi đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, so sánh các phương án do Tập đoàn Hoà Phát đề xuất để lựa chọn phương án tối ưu phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Phú Yên; Quy hoạch chung Khu kinh tế Nam Phú Yên và đúng quy định của pháp luật.
Trước đó vào tháng 5/2023, tại hội nghị để nghe báo cáo liên quan đến định hướng thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Hòa Tâm và Cảng Bãi Gốc (thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên, thị xã Đông Hòa), đại diện các nhà đầu tư đã đề nghị tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án gang thép, lọc hóa dầu, xây dựng cảng biển.
Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư 4 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên gồm: dự án kinh doanh hạ tầng KCN Hòa Tâm, dự án Cảng Bãi Gốc, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm và dự án Khu thương mại - Dịch vụ. Tiến độ đầu tư thực hiện dự án 36 tháng sau khi được cấp chủ trương đầu tư và bàn giao đất. Tổng mức đầu tư đối với 4 dự án nói trên dự kiến khoảng 120.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD).