Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 25/2: Ngồi im hay “bắt dao rơi”?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine ngay lập tức ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Phiên 25/2, xu hướng “bắt dao rơi” có tiếp tục hay nhà đầu tư nên ngồi yên chờ "bình yên trở lại".

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thị trường chứng khoán có phiên biến động mạnh ảnh hưởng bởi tin tức căng thẳng địa chính trị, các cổ phiếu bị bán đồng loạt trong phần lớn thời gian giao dịch phiên 24/2. Có thời điểm, VN-Index giảm mạnh đến 39 điểm, vốn hóa HOSE đã bốc hơi 152.000 tỷ đồng. Ngoại trừ cổ phiếu dầu khí và cổ phiếu phân bón có diễn biến đi ngược thị trường, hàng loạt các cổ phiếu trụ lớn như VHM, VIC… đặc biệt là nhóm ngân hàng như TCB, CTG, TPB, STB… chìm trong ''biển lửa''. Nhà đầu tư ồ ạt xả hàng tạo ra làn sóng bán tháo trên thị trường.

Tuy nhiên, sự sụt giả mạnh về giá đã kích thích dòng tiền bắt đáy, dẫn đến thanh khoản tăng vọt. Chốt phiên 24/2, VN-Index hồi phục mạnh nhờ dòng tiền vào bắt đáy này, giảm chỉ 17,5 điểm xuống 1.495 điểm, so với lúc giảm sâu nhất 39 điểm. Toàn thị trường có hơn 800 cổ phiếu giảm điểm.  

Nhận định thị trường phiên 25/2, Công ty chứng khoán Đông Á cho rằng, VN-Index có thể lấy lại mốc 1.500 điểm nhưng nếu thị trường chứng khoán thế giới vẫn tiêu cực thì VN-Index chưa thể bứt phá mà vẫn giao dịch trong khu vực quanh 1.500 điểm để chờ xác lập hướng đi mới. Và nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp giảm mạnh của thị trường để giải ngân cho danh mục đầu tư trung dài hạn, quan tâm cổ phiếu vật liệu xây dựng, cổ phiếu công ty xây dựng hạ tầng, cổ phiếu khu công nghiệp.

Còn các chuyên gia Công ty Chứng khoán KB Việt Nam khuyến nghị, sau khi chốt lời 1 phần trong những phiên trước, nhà đầu tư có thể mở lại từng phần vị thế trading ngắn hạn quanh vùng hỗ trợ của các mã mục tiêu.

Theo các chuyên gia, rủi ro địa chính trị, các đợt Fed tăng lãi suất và khủng hoảng (tài chính, dịch bệnh) là 3 nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán biến động mạnh nhất. Vì thế, rủi ro khủng hoảng Nga – Ukraine chắc chắn sẽ tác động mạnh đến thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam.

Tuy nhiên, ảnh hưởng này chỉ trong ngắn hạn. Sự kiện Ukraine đã từng xảy ra trong lịch sử và thường chỉ ảnh hưởng về mặt thương mại, gây ra những tác động về kinh tế. Khi đó, nền kinh tế toàn cầu có khả năng suy giảm nhưng sẽ có những quốc gia được hưởng lợi. Nhà đầu tư không nên quá bi quan.

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cho rằng: “Lần này, sự kiện Nga động binh tại Ukraine một lần nữa tạo ra phiên giao dịch biến động lớn và đầy cảm xúc 24/2/2022. Đó là lúc điểm yếu nhất của các nhà đầu tư cá nhân là cảm xúc bị thử thách bởi những sự sợ hãi vô hình. Xung đột chính trị, kinh tế trên thế giới là chuyện thường xuyên, Nga xung đột với Ukraine ảnh hưởng rõ nhất và trực tiếp tới tâm lý và cảm xúc của nhà đầu tư”- ông Ngọc phân tích.

Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán Kiến thiết, cảm xúc, tâm lý là kẻ thù lớn của nhà đầu tư. Khi sợ hãi thì hành động có thể dẫn đến sai lầm và trả giá bằng thua lỗ. Sau những sợ hãi, các nhà đầu tư mới sẽ rút ra được kinh nghiệm và hành động bằng lý trí thay vì bằng cảm xúc, tâm lý sợ hãi.