Nvidia, một trong những công ty đi đầu trong xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), đã công bố báo cáo thu nhập của mình hôm nay (29/8). Báo cáo cho thấy công ty vẫn duy trì lợi nhuận lớn, nhưng cổ phiếu đã giảm 2,1%, dù đã tăng 153% trong cả năm.
Nvidia hiện sở hữu một trong những cổ phiếu gây ảnh hưởng nhất ở Phố Wall, với tổng giá trị trên thị trường lên tới 3.000 tỷ USD. Sự suy giảm trên gây tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán châu Á, nhất là các nhà sản xuất chip có liên quan đến Nvidia.
Cụ thể, chỉ số chuẩn Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,4% xuống 38.220,34 điểm; S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,4% xuống 8.042,10 điểm; Kospi của Hàn Quốc giảm 0,8% xuống 2.667,65 điểm; Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,5% xuống 17.608,50 điểm; trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm 0,5% xuống 2.824,62 điểm.
Cổ phiếu tập đoàn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) giảm 2%, trong khi công ty Foxconn mất 1,6%. SK Hynix - nhà sản xuất chip bộ nhớ và nhà cung cấp chính của Nvidia, giảm 6% điểm cố phiếu, trong khi đối thủ Samsung mất 3%.
Tại Nhật Bản, nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest giảm 0,5% điểm cổ phiếu, trong khi Tokyo Electron giảm 1,1%. Cổ phiếu Công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải - nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc và là đối thủ của Nvidia, cũng giảm nhẹ.
Đà giảm lan rộng từ cổ phiếu các nhà sản xuất chip sang lĩnh vực công nghệ, khi triển vọng kém ấn tượng của Nvidia đặt ra câu hỏi về mức độ lợi nhuận của cái gọi là "giao dich cổ phiếu AI" trong dài hạn.
Trước Nvidia, thu nhập trung bình từ một số công ty công nghệ trên Phố Wall đã chỉ ra chi phí gia tăng và lợi nhuận tương đối thấp từ việc đầu tư vào AI.
Khái niệm này đè nặng lên các cổ phiếu công nghệ châu Á khác trong ngày 29/8. Bộ ba công ty công nghệ hàng đầu Trung quốc gồm Baidu, Alibaba và Tencent đều giảm từ 1% đến 3% trong phiên giao dịch tại Hong Kong.
Kể cả khi Nhà Trắng thông báo kế hoạch cho một cuộc điện đàm sắp tới giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden, tâm lý các nhà đầu tư vẫn rất dè chừng. Họ đang hướng đến các tin tức ngày hôm sau (29/8), thời điểm Chính phủ Mỹ công bố dữ liệu mới nhất về lạm phát cùng báo cáo chi tiêu và tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 7.
Các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ lạm phát trong PCE, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sẽ tăng nhẹ lên 2,6% vào tháng 7 từ mức 2,5% hồi tháng 6. Tỷ lệ này đã lên tới 7,1% hồi giữa năm 2022, nhưng đã giảm dần về mức 2% kể từ đó, nhờ những động thái tăng lãi suất mạnh tay từ FED.
Phố Wall và FED đang cố gắng đánh giá khả năng phục hồi sức mua của người tiêu dùng Mỹ, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất vay cao đang tạo ra nhiều sức ép. Ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất chuẩn từ mức cao nhất 2 thập kỷ qua tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 9.
Cổ phiếu ở Phố Wall đều giảm khi chốt phiên, do sự thoái lui của các công ty công nghệ lớn đã lấn át mức tăng ở những lĩnh vực khác trên thị trường. Chỉ số S&P 500 giảm 0,6%, do ảnh hưởng từ sự sụt giảm cổ phiểu của Nvidia, Apple, Microsoft và Amazon.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, vừa đạt mức cao kỷ lục ở 2 phiên liên tiếp, nay giảm 0,4%. Chỉ số tổng hợp Nasdaq, vốn có tỷ trọng lớn trong các cổ phiếu công nghệ, cũng giảm 1,1% khi chốt phiên.
Tổng cộng, chỉ số S&P 500 giảm 33,62 xuống 5.592,18 điểm. Dow Jones giảm 159,08 xuống 41.091,42 điểm, và Nasdaq giảm 198,79 xuống 17.556,03 điểm.