|
Khách hàng theo dõi thông tin chỉ số tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
VN-Index giảm trên 40 điểmTTCK Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Nếu quý I/2018, TTCK Việt Nam thuộc top đầu về sự đi lên của các chỉ số thì đến quý II, hàng loạt mã chứng khoán lại liên tục lao dốc trong thời gian dài. Ba phiên giao dịch đầu tháng 7, tình hình cũng không khá hơn khi VN-Index vẫn tiếp đà đi xuống không phanh. Đặc biệt, phiên 3/7, VN-Index giảm 41,14 điểm (-4,34%) xuống còn 906,01 điểm.
Kết thúc phiên sáng 4/7, bất chấp việc hai cổ phiếu lớn nhất thị trường là VHM và VIC tăng mạnh (VHM bứt phá 6,2% lên 110.000 đồng/CP còn VIC tăng 2,3% lên 102.000 đồng/CP) cũng không cứu vãn được đà giảm của các chỉ số. VN-Index giảm 0,24 điểm (-0,03%) xuống còn 905,77 điểm. Toàn sàn có 121 mã tăng, 136 mã giảm và 49 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) xuống 98,79 điểm. Toàn sàn có 50 mã tăng, 68 mã giảm và 43 mã đứng giá.
NĐT trong và ngoài nước có cách nhìn khách quan vào tình hình để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh thị trường hiện nay. Ở khía cạnh tích cực trung và dài hạn, tôi tin TTCK Việt Nam còn đó nhiều yếu tố nền tảng cơ bản để phát triển. Về động thái giao dịch của NĐT nước ngoài, NĐT nên bình tĩnh quan sát để tránh bị tác động thái quá về tâm lý và đánh giá quá mức tác động của thông tin bán ròng đến TTCK”.Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng |
Thực tế, từ cuối năm ngoái đến nay, NĐT vẫn lo lắng về 2 nguy cơ có thể gây tác động kép ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam là FED tăng lãi suất điều hành và căng thẳng thương mại quốc tế, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Cả hai điều đó đều đã đến trong tháng 6 khi mà FED thông báo tăng lãi suất cơ bản ngắn hạn lên mức 1,72 - 2% và dự báo có thể tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay; đồng thời sau đó mấy ngày tuyên bố áp thuế 200 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Tác động kép của 2 sự kiện này đã làm rung động cả thị trường tài chính thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. "Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc các quỹ đầu tư nước ngoài gia tăng rút vốn khỏi một số thị trường châu Á. Trong 6 tháng đầu năm, các quỹ đã rút vốn khỏi 7 thị trường châu Á (Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines) 22,8 tỷ đô la. Tất nhiên, dù được đánh giá là đất nước có kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng Việt Nam cũng không khỏi bị ảnh hưởng của tác động của kinh tế toàn cầu, và một số quỹ đã bán bớt cổ phiếu để chốt lời và chuyển bớt vốn về nước" - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng nhận định.
Dè dặt với dự báo lạc quanTrước biến động của TTCK những ngày qua, đại diện UBCK trấn an NĐT bằng một số thông tin khá khả quan. Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, NĐT nước ngoài vẫn mua ròng mạnh với 38.752 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 1.788 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Ngoài ra, GDP Việt Nam trong 6 tháng tăng 7,08% - cao nhất kể từ năm 2011. Giá trị giao dịch phái sinh trong tháng 6 đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay với tổng khối lượng giao dịch đạt 1.983.614 hợp đồng, tổng giá trị giao dịch tính theo danh nghĩa hợp đồng đạt 193.371 tỷ đồng, cho thấy TTCK phái sinh ngày càng trở nên hấp dẫn NĐT.
Tuy nhiên, động thái bán ròng của NĐT nước ngoài đã tác động mạnh đến tâm lý của các NĐT trong nước. Nhiều NĐT đã phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế. NĐT nước ngoài đã rút vốn vì biến động tỷ giá tiền đồng và những thông báo kỷ luật của Ban Kiểm tra T.Ư cuối tuần qua, nên đã cố bán cổ phiếu bằng mọi giá làm TTCK giảm mạnh trong 2 phiên qua.
Nhận định về thị trường tháng 7, giới phân tích vẫn rất dè dặt với các dự báo lạc quan. Một số công ty chứng khoán cho rằng, TTCK sẽ khó có thể phục hồi lại trong tháng 7 tới. Đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư quan sát và tìm kiếm cơ hội trên thị trường. “Với tâm lý e ngại hiện tại của phần đông nhà đầu tư thì dòng tiền khó có thể sớm quay lại thị trường trong tháng 7” - đại diện Công ty Chứng khoán MBS nhận định.
Ngoài ra, mùa báo cáo tài chính quý II và 6 tháng bắt đầu từ tháng 7 phần nào gợi mở về bức tranh kinh tế Việt Nam, các DN kinh doanh khởi sắc là nơi quy tụ vốn. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán KIS, thị trường lúc này phù hợp với NĐT giá trị. Cơ hội cho những thương vụ đầu tư trong ngắn hạn hiệu quả cao sẽ không còn như quý I. Do đó, kỳ vọng của NĐT cũng nên điều chỉnh cho phù hợp thực tế thị trường. “NĐT lướt sóng nên nghỉ ngơi chờ thanh khoản thị trường dần tốt trở lại để tham gia lại. Khi các tin xấu trên thế giới theo thời gian dần hấp thụ, rủi ro sẽ ít đi” - đại diện Công ty này dự báo.