Ngay ở cuối phiên chiều qua, lực bán đã tăng mạnh khi TTCK đón nhận thông tin “gã khổng lồ” trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) của Trung quốc là Evergrande thuộc Tập đoàn của Sinic Holdings đã rơi vào nguy cơ vỡ nợ lên đến 300 tỷ USD.
Trên sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) chiều ngày 20/9 nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu của Sinic Holdings, khiến giá trị tài sản ròng của ông Zhang Yuanlin - Chủ tịch tập đoàn Sinic Holdings giảm từ mức 1,3 tỷ USD trong sáng 20/9, xuống chỉ còn 250,7 triệu USD trong chiều cùng ngày, mất hơn 1 tỷ USD. Ông Zhang từng có tên trong danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2021 do Forbes xếp hạng. Cổ phiếu của Sinic Holdings đã mất 87% giá trị, buộc sàn Hong Kong phải tạm dừng giao dịch với cổ phiếu này.
Phiên giao dịch chứng khoán Mỹ đếm qua cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin kể trên với cả 3 chỉ số cùng giảm mạnh trên 2%.
Ngay khi bước vào phiên sáng nay, tâm lý nhà đầu tư lo ngại thị trường điều chỉnh mạnh, nên cả 30 mã VN30 đều nằm trong sắc đỏ khi mở cửa phiên. Nhóm giảm sâu là những cổ phiếu thuộc nhóm ngành BĐS trong đó có VHM, VIC, VRE, PDR, KDH …
Ngược lại, một số cổ phiếu nhóm nhỏ và vừa lại hút mạnh dòng tiền bật tăng tốt như DLG, OCB, TGG, TDH …
Kết phiên sáng nhóm VN30 chỉ có MWG và BVH tăng nhẹ, còn MSN về đứng tham chiếu. Giảm sâu nhất nhóm là các mã BĐS như VRE mất 3,8% xuống 28.200 đồng/CP; VHM giảm 3,1% xuống 77.400 đồng/CP; PDR giảm 2,7% xuống 80.700 đồng/CP. Ngoài ra còn có mã cao su GVR giảm 3,7% xuống 36.000 đồng/CP. Các mã VIC, HPG, KDH, GAS, SSI, CTG, MBB, FPT, ACB, STB giảm từ 1,4 - 1,8%. Giảm dưới 1% có NVL, VNM, VJC, VCB, TPB, SAB...
Sóng đầu cơ phiên sáng chảy vào mã DLG tăng lên giá trần và khớp lệnh cao nhất sàn HOSE với hơn 25,6 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 6,6 triệu đơn vị. Một số mã nhỏ khác còn tăng lên giá trần là TGG, TDH, JVC, OGC, QBS, PLP, MCG, HVX,… Trong đó TDH khớp hơn 3,65 triệu đơn vị và QBS khớp hơn 3,62 triệu đơn vị. Ngoài ra, tăng giá tốt còn có OCB, HNG, ITA, PVD, SJF, HAI, HSG, NKG …
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 71 mã tăng và có đến 342 mã giảm, VN-Index giảm 18,19 điểm, tướng đương giảm 1,35% xuống 1.332,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 565,66 triệu đơn vị, giá trị 15.141,9 tỷ đồng, tăng gần 15% về khối lượng và tăng 12% về giá trị so với phiên sáng hôm qua (20/9).
Bước vào phiên giao dịch buổi chiều, dòng tiền thanh khoản tích cực chảy vào thị trường, nhóm cổ phiếu VN30 có một số mã bắt đầu hồi xanh như TPB, SAB, VNM cùng với các mã giữ sắc xanh phiên sáng là BVH, MSN, MWG, kéo chỉ số VN-Index thu hẹp đầ giảm. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu BĐS tuy đã thu hẹp biên độ giảm nhưng vẫn còn cách khá xa mức giá tham chiếu.
Chốt phiên chiều, nhóm VN30 tăng giá tích cực có BVH tăng 3,3% lên 55.700 đồng/CP; MSN, MWG, VNM tăng từ 0,1-0,7%. 4 mã đứng sắc xanh này khớp từ trên 1 đến trên 3 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu BĐS trong rổ VN30 vẫn giảm sâu như VHM giảm 3% xuống 77.500 đồng/CP; VRE giảm 3,1% xuống 28.400 đồng/CP; VIC giảm 1,3% xuống 85.600 đồng/CP; PDR giảm 1,6% xuống 44.200 đồng/CP; KDH giảm 1,1% xuống 41.700 đồng/CP; mã ngành cao su GVR cũng giảm mạnh 2,7% xuống 36.400 đồng/CP. Ngoài ra, các mã giảm từ trên 1% đến dưới 2% là SSI, STB, FPT, HPG, CTG. Các mã giảm dưới 1% có ACB, BID, MBB, POW, SAB, TCB, TPB, VCB, VJC, VPB.
Trong đó, thanh khoản tốt trong nhóm này có HPG khớp cao nhất sàn HOSE với 28,8 triệu đơn vị; VHM khớp 13,4 triệu đơn vị; VRE và CTG cùng khớp trên 8 triệu đơn vị; STB khớp 14,2 triệu đơn vị; TCB và POW cùng khớp trên 10 triệu đơn vị; SSI và MBB cùng có trên 9 triệu đơn vị.
Trong khi các “ông lớn” lĩnh vực BĐS chịu tiêu cực thì một số mã nhỏ và vừa lại hút mạnh dòng tiền và tăng giá tốt. Cụ thể, DRH, HDC, SCR, TDH tăng lên mức giá trần, trong đó DRH khớp gần 6,8 triệu đơn vị; TDH khớp trên 3,7 triệu đơn vị; SCR khớp trên 25,2 triệu đơn vị; HDC khớp trên 2,1 triệu đơn vị.
Ngoài ra nhóm này còn có FLC 1,4%m khớp gần 17,9 triệu đơn vị; HDG tăng gần mức giá trần 6,7%, khớp trên 4,3 triệu đơn vị; HQC tăng 1,6%, khớp gần 18,8 triệu đơn vị; ITA tăng 3,7%, khớp trên 25,2 triệu đơn vị; KBC tăng 2% và khớp trên 14,7 triệu đơn vị; VRC tăng 6,1%, khớp trên 1,7 triệu đơn vị.
Nhóm ngân hàng cũng tương tự, khi các mã lớn đều dừng chân dưới mức giá tham chiếu thì OCB và VIB lại tăng khá tích cực. Cụ thể, OCB tăng 2,5%, khớp trên 5 triệu đơn vị; VIB tăng 2,6%, khớp trên 3,3 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu sắt thép cũng phân hóa, biến động giá trái chiều nhau. Ngoài mã lớn HPG giảm 1%, còn các mã nhỏ và vừa như POM, DTL, VIS đều giảm gần 1%. Chỉ có 2 mã tăng tốt là HSG tăng 3,33%, khớp gần 17,3 triệu đơn vị; NKG cũng tăng 3,33%, khớp 8,9 triệu đơn vị.
Chốt phiên chiều, sàn HOSE có 136 mã tăng, 275 mã giảm, VN-Index giảm 10,64 điểm tương đương giảm 0,79% xuống 1.339,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 859,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 23.432,4 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng và giảm 4,5% về giá trị so với phiên hôm qua 20/9.
Sàn HNX cũng có diễn biến giống HOSE. Tuy nhiên, cuối phiên chiều vào đợt khớp ATC chỉ số HNX-Index lại bật xanh.
Nhóm cổ phiếu HNX30 khá nhiều mã tăng giá tích cực hỗ trợ chỉ số. Trong đó, nhóm xăng dầu, bất động sản tăng tốt như PVS tăng 4,1% lên 28.100 đồng/CP, khớp 14,7 triệu đơn vị đứng thứ 2 trên sàn; PVC tăng 2,8%, khớp trên 1,6 triệu đơn vị. 2 mã bất động sản là KLF và HUT cùng tăng 4,3%, khớp lần lượt 8,4 và 7,7 triệu đơn vị. Ngoài ra còn có DTD tăng 3%, LHC tăng 2,4%; TVC tăng 5,9% và khớp trên 8,3 triệu đơn vị.
Ngược lại, 2 mã ngân hàng là NVB và SHB đều giảm lần lượt 1 và 1,9%. Trong đó SHB khớp cao nhất sàn với 14,7 triệu đơn vị. Mã ngành chứng khoán SHS giảm 1,5%, khớp 4,5 tăng triệu đơn vị; mã ngành công nghiệp TNG giảm 3,9%, khớp 4,9 triệu đơn vị.
Đóng cửa phiên chiều, sàn HNX có 129 mã tăng và 115 mã giảm, HNX-Index tăng 0,1 điểm, tươg đương tăng 0,03% lên 358,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 201 triệu đơn vị, giá trị 4.030,7 tỷ đồng.