Chứng khoán “loạn nhịp” sau quyết định tăng lãi suất của Fed

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu điều chỉnh, hôm nay, (23/3), thị trường Việt Nam mở cửa cũng chìm trong sắc đỏ, nhưng tới cuối phiên đã vượt tham chiếu. Tuy nhiên, thanh khoản lại sụt giảm, dòng tiền trong nước hoạt động khá ảm đạm. Trong khi đó, khối ngoại gia tăng giải ngân.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

VCB, VHM giữ vững ngôi đầu kéo

 VN-Index giao dịch dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên hôm nay, thanh khoản rất thấp. Phải tới cuối phiên, khi VN30 hồi phục, chỉ số chính mới hồi lại sắc xanh.

Nhóm dẫn dắt thị trường còn có nhiều cổ phiếu ngân hàng, như ACB, CTG, SHB… Nhóm chứng khoán cũng hồi phục với sắc xanh lấn lướt. Đáng chú ý trong số này, cổ phiếu VCI (Chứng khoán Bản Việt - VCSC) tiếp tục trở thành điểm đến của dòng tiền khi đang tăng sát trần, lên 31.400 đồng/cổ phiếu. VCI cùng cổ phiếu chứng khoán khác là SSI lọt nhóm dẫn dắt thị trường

VCB tiếp tục là đầu kéo tích cực nhất, đóng góp 2 điểm cho VN-Index. Đây là phiên tăng giá thứ 3 liên tiếp của VCB, đưa thị giá lên mức 90.700 đồng/cổ phiếu. Sức ảnh hưởng của VHM có phần suy giảm, nhưng vẫn là một trong những mã giao dịch tích cực nhất hôm nay. Hôm nay cũng là phiên thứ 3 cổ phiếu này tăng giá liên tiếp. Giá VHM lên mức 48.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 13% chỉ qua 3 ngày.

Trong khi đó, sự phân hoá diễn ra rõ rệt trên thị trường. Như tại nhóm bất động sản, DXG, DIG, CEO, GEX, CRE, NLG, PDR… tăng nhẹ, trong HDG, HQC, ITA, HTN, VRE, HPX đi lùi. Trên HoSE, chỉ có 7 cổ phiếu tăng trần, và 3 trong số này tập trung ở nhóm bất động sản: HU3, PVL, BII. PVL chuyển từ giảm sàn, sang tăng trần, bất chấp cổ phiếu vừa bị chuyển vào nhóm huỷ niêm yết bắt buộc, do kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính 2022.

Nhóm xây dựng giao dịch tích cực hơn, dưới hiệu ứng thúc đẩy đầu tư công ở nhiều địa phương. Cổ phiếu thép có BVG, TVN, NKG, HSG, HPG, TLH… cùng tăng giá. Ở nhóm vận tải, một số cổ phiếu đơn lẻ có diễn biến tăng trần trong phiên hôm nay. DS3 tăng gần 10%, PDN tăng 7%, PJC tăng 10%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,56 điểm (0,44%) lên 1.045,1 điểm. HNX-Index giảm 0,64 điểm (0,31%) xuống 203,32 điểm. UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (0,36%) lên 76,17 điểm.

Thanh khoản lại sụt giảm, giá trị khớp lệnh HoSE chỉ hơn 6.500 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng 327 tỷ đồng, gia tăng so với các phiên trước, tập trung vào VHM, HPG, VNM, SSI, POW… Ở chiều ngược lại, VCB, MSN, PLX, CTG là những mã bị bán mạnh nhất

Thị trường chứng khoán vẫn vất vả?

Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh nhận định, việc Fed tăng lãi suất không phải là điều bất ngờ, mà đã được dự báo từ trước. Chính vì vậy, mức độ ảnh hưởng của kỳ điều chỉnh lần này tác động tới thị trường Việt Nam là không lớn, có chăng, tác động chỉ mang tính ngắn hạn. Bản thân Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch từ trước và có hành động hạ lãi suất và bơm thanh khoản cho thị trường.

Cũng theo ông Phan Dũng Khánh, trên cơ sở Fed tăng lãi suất và chính sách điều hành của Fed trong thời gian tới, có thể thấy rằng kỷ nguyên “tiền đắt” vẫn chưa thể kết thúc được, ít nhất là trong năm 2023.

Đối với thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng trong một vài phiên tới từ quyết định tăng lãi suất của Fed. Ông Phan Dũng Khánh đưa ra dự báo, ít nhất trong trung hạn năm nay vẫn là một năm vất vả với thị trường chứng khoán. “Tôi kỳ vọng nửa cuối năm mức tích cực sẽ nhiều hơn, cần lưu ý tốt hơn ở đây là so với mức xấu nhất, chứ không thể về mức mơ ước như năm 2021”- ông Khánh nói.

Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư, ông Phan Dũng Khánh cho rằng đây không phải thời điểm lý tưởng để đầu tư. Đối với nhà đầu tư lướt sóng phải cẩn thận, không dùng đòn bẩy và không tất tay. Còn cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn vẫn có, có thể mua tích lũy dần vào lúc thị trường xấu, nhưng không nên đu theo.

Trước đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất, chứng khoán toàn cầu phản ứng khá tiêu cực. Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất chuẩn lên khoảng 4,75 - 5%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp của Fed. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đồng loạt giảm, Down Jones mất 530 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng phần lớn giảm điểm khi mở cửa phiên sáng 23/3, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố một đợt tăng lãi suất khác bất chấp những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 ở thị trường Tokyo giảm 0,75%  xuống 27.259,24 điểm vào đầu phiên giao dịch. Chứng khoán Hàn Quốc cũng mở cửa thấp hơn vào sáng 23/3, nối bước đà giảm của chứng khoán Phố Wall trước đó khi Chủ tịch Fed bác khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay bất chấp lo ngại về sự bất ổn của hệ thống ngân hàng toàn cầu. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,48% xuống 2.405,35 điểm trong 15 phút giao dịch đầu tiên.

Tại Trung Quốc, các chỉ số chính dịch chuyển ngược chiều khi chứng khoán Hong Kong mở cửa cao hơn một chút vào sáng 23/3 và bỏ qua đà giảm ở Phố Wall. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 0,14% lên 19.619,74 điểm. Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,31% xuống 3.255,72 điểm.

Với thị trường trong nước, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, dòng tiền vẫn đang phân hóa và chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường và chủ yếu tìm kiếm các cổ phiếu có câu chuyện riêng.

Còn Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại khi xu hướng ngắn hạn vẫn chưa rõ ràng và các vị thế mua mới vẫn nên giải ngân ở tỷ trọng thấp dưới 5%. Ngoài ra, các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp dưới 40% danh mục ngắn hạn. Với việc trạng thái rung lắc, giằng co quay lại trong phiên hôm nay, Chứng khoán SSI nhận định, lực cung chốt lời ngắn hạn có thể gia tăng. Vùng kháng cự gần trên VN-Index là ngưỡng tâm lý 1.060 điểm trong khi hỗ trợ gần trên chỉ số là khu vực 1.030-1.020 điểm. Nhìn chung, VN-Index vẫn đang duy trì xu thế side-way kể từ đầu năm nay

 

 

 

 

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần