Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ tiếp tục lên điểm sau tuyên bố của FED

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 95,59 điểm, tương ứng 0,76%, lên 12.690,96 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,42 điểm, tương ứng 0,62%, lên 1.355,66 điểm.

KTĐT - Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 95,59 điểm, tương ứng 0,76%, lên 12.690,96 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,42 điểm, tương ứng 0,62%, lên 1.355,66 điểm.

Phiên giao dịch ngày 27/4, các chỉ số chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh, sau tuyên bố giữ nguyên lãi suất cơ bản của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke. Đáng chú ý, chỉ số Nasdaq tăng vọt lên mức cao nhất trong 10 năm qua.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 95,59 điểm, tương ứng 0,76%, lên 12.690,96 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,42 điểm, tương ứng 0,62%, lên 1.355,66 điểm. Chỉ số Nasdaq nhảy 22,34 điểm, tương ứng 0,78%, lên 2.869,88 điểm, mức chốt cao nhất kể từ tháng 12/2000.

Khối lượng giao dịch ở mức thấp, với khoảng 7,59 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn một chút so với mức trung bình hàng ngày 7,73 tỷ cổ phiếu của năm nay. Trên sàn New York, cứ 2 cổ phiếu tăng thì có 1 mã giảm, còn ở sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 8/5.

Hôm qua, chỉ số Russell 2000 chạm mức cao nhất mọi thời đại, 858,31 điểm, khi nhà đầu tư duy trì mua cổ phiếu có vốn hóa nhỏ. Tom Sowanick, trưởng bộ phận đầu tư thuộc OmniVest ở Princeton (Mỹ) cho rằng, giá cổ phiếu hôm qua là sự phản ánh các tuyên bố của FED.

Trong ngày, Ủy ban Thị trường mở Liên bang, cơ quan hoạch định chính sách của FED, công bố tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản từ mức 0 - 0,25% và sẽ hoàn tất chương trình mua trái phiếu trị giá 600 tỷ USD (QE2) vào tháng 6 tới như dự định ban đầu.

Nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học là lý do chính giúp Nasdaq tăng mạnh trong phiên 27/4. Trong đó, đáng chú ý là cổ phiếu của hãng dược Regeneron tăng tới 28,6% lên 67,05 USD. Chỉ số NYSEArca công nghệ sinh học tăng 2,8%.

Trong khi đà tăng của Dow Jones là nhờ sự dẫn dắt của cổ phiếu hãng General Electric. Hôm qua, cổ phiếu của General Electric tăng 1,7% lên 20,65 USD. Cổ phiếu của Boeing tăng 0,8% lên 76,12 USD, cũng góp phần đẩy chỉ số Dow Jones đi lên.

Theo số liệu thống kê của Thomson Reuters, tính tới ngày 27/4, trong số 220 công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã báo cáo kết quả lợi nhuận, 73% công bố doanh thu vượt dự báo của giới phân tích.

Khu vực chứng khoán châu Âu cho kết quả đan xen trong phiên giao dịch hôm qua. Chỉ số FTSE 100 của Anh hạ nhẹ 0,02% xuống 6.068,16 điểm. Ngược lại, chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,55% lên 4.067,72 điểm và DAX của Đức tiến 0,66% lên 7.404,95 điểm.

Các thị trường châu Á cũng diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 27/4. Tuy nhiên, lợi nhuận vượt kỳ vọng của các tập đoàn lớn ở Mỹ đã giúp nhà đầu tư khu vực lấy lại niềm tin về khả năng tăng trưởng của nền kinh tế cũng như sự đi lên của các thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản có ngày tăng điểm tốt nhất trong một tuần, bất chấp việc nước này bị tổ chức định mức tín nhiệm S&P hạ bậc triển vọng nợ đồng nội tệ xuống mức tiêu cực. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,39% lên 9.691,84 điểm.

Đứng thứ hai về mức tăng điểm trong khu vực là thị trường Đài Loan. Chỉ số Taiex của thị trường này tăng 1,13% lên 9.049,25 điểm. Thị trường Hàn Quốc gần như đi ngang, khi chỉ số Kospi chỉ tăng 0,02%. Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 0,34%.

Ở chiều ngược lại, các thị trường Trung Quốc và Hồng Kông lần lượt trượt 0,46% và 0,48%, do sự đi xuống của nhóm cổ phiếu địa ốc, sau khi có tin nói rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm công bố các biện pháp thắt chặt mới đối với lĩnh vực bất động sản.