Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán năm 2024 sẽ vui hay buồn?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù kinh tế còn khó khăn, các biến số về suy thoái và khủng hoảng vẫn còn nhưng nhiều chuyên gia dự báo xu hướng chung của thị trường chứng khoán năm 2024 là tăng. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi chậm và không đều ở tất cả các ngành.

Trong ngắn hạn vẫn đón “gió ngược”

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch bùng nổ đầy bất ngờ. Dòng tiền đột ngột đổ vào thị trường kéo hàng loạt cổ phiếu từ vùng giá đỏ đảo chiều bứt phá mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/11, VN-Index tăng 33,14 điểm, đóng cửa 1.113,43 điểm. Tương tự, HNX-Index tăng 8,74 điểm, đóng cửa 227,03 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 18/18 ngành tăng điểm, trong đó mức tăng mạnh nhất thuộc về ngành Dịch vụ tài chính, theo sau là hóa chất, du lịch và giải trí…

Trong giai đoạn vừa qua, thị trường đã sụt giảm liên tục và đang có tín hiệu cho thấy lực cầu bắt đáy xuất hiện. Việc lực cầu bắt đáy xảy ra là tín hiệu tốt cho thị trường, giúp đẩy thanh khoản của toàn thị trường, khi có những phiên mức thanh khoản duy trì ở mức thấp kỷ lục.

Thị trường chứng khoán từ nay tới hết năm 2023 dự báo sẽ còn đón nhiều "cơn gió nghịch".
Thị trường chứng khoán từ nay tới hết năm 2023 dự báo sẽ còn đón nhiều "cơn gió nghịch".

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chứng khóa Kiến Thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc cho biết, thị trường trước đó đã phản ánh đầy đủ thông tin xấu và qua vùng đáy. Việc bật tăng trở lại là do có nhiều yếu tố tích cực từ việc giá dầu đã giảm thủng mức 80 USD/thùng, lạm phát ở châu Âu và Mỹ có dấu hiệu giảm, lãi suất ở Mỹ cũng đã giảm sau quyết định của Fed không tăng lãi suất....

Với tín hiệu thị trường như hiện nay, dự báo đóng cửa cuối năm 2023, thị trường VN-Index có thể hướng về khoảng 1.150 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng vì, trong ngắn hạn thị trường vẫn phải đối mặt với một số cơn gió ngược, đặc biệt là áp lực bán ròng từ khối ngoại. Các yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài dù có dấu hiệu lắng xuống nhưng chưa có gì chắc chắc sẽ tiếp tục thuận lợi, đặc biệt là những động thái của Fed trong chính sách tiền tệ.

Cũng chỉ ra những rủi ro của thị trường trong ngắn hạn, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cho rằng, kết quả kinh doanh quý III như cú tát mạnh vào nhà đầu tư, khi kết quả không như kỳ vọng. Trong khi đó, tình hình địa chính trị thế giới vẫn rất phức tạp. Vì thế sẽ có 2 kịch bản cho thị trường từ nay tới hết năm 2023.

Trong ngắn hạn tháng 11/2023, thị trường sẽ giữ đà tăng điểm lên ngưỡng 1.130 điểm, vì một số yếu tố áp lực rủi ro trong ngắn hạn đã giảm như đồng USD giảm, lãi suất trái phiếu giảm, giá dầu hạ nhiệt… áp lực lạm phát trong ngắn hạn không còn.

Tuy nhiên, đà tăng điểm này sẽ có thể hạ nhiệt lại trong tháng 12 vì một số lo ngại về việc Fed có thể sẽ tăng lãi suất để đưa mục tiêu lạm phát về 2% trong năm sau. Nhìn xa hơn tới nửa đầu năm 2024, thị trường sẽ phải đối mặt thêm với các yếu tố khá rủi ro, đặc biệt là biến số về suy thoái và khủng hoảng vẫn chưa đi qua. Mặc dù thị trường không tích cực nhưng vẫn có những nhóm ngành đã qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ có chuyển biến tích cực hơn như dầu khí và công nghệ.

Xu hướng chung thị trường sẽ tăng

Đưa ra nhận định lạc quan vào thị trường trong dài hạn, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh chỉ ra, nếu loại trừ biến số về căng thẳng địa chính trị thế giới thì xu hướng chung của thị trường chứng khoán 2024 có thể có cơ hội tăng điểm. Tuy nhiên, cơ hội không quá nóng và chỉ tăng ở một số nhóm ngành chứ không phải ở toàn bộ thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh đưa ra 2 viễn cảnh đối lập của thị trường, 6 tháng đầu năm 2024 có thể là bức tranh đi ngang so với quý IV/2023. Nhưng bước sang quý III, IV/2024, thì trường sẽ bắt đầu tăng. Vì lúc đó Fed đã đi vào đoạn cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, khả năng cao sẽ chỉnh lại áp lực tăng lãi suất. Như vậy, tình hình kinh tế 2024 sẽ hồi phục chậm, do đó thị trường chứng khoán cũng sẽ được hưởng lợi trong xu hướng này.

Ông Nguyễn Thế Minh cũng lưu ý, đà tăng này có sự phân hóa ở một số nhóm ngành, tính đầu cơ ở nhóm bất động sản, tài chính vẫn diễn ra, trong đó có những nhóm có tính cơ bản hơn như trong lĩnh vực sản xuất, ngân hàng chưa thể thu hút dòng tiền. Lời khuyên với nhà đầu tư, trong ngắn hạn vẫn có cơ hội tìm kiếm cơ hội trong giai đoạn này, tuy nhiên từ nay tới cuối năm, đặc biệt là tháng 12 nhà đầu tư vẫn nên có tính phòng thủ.

Bước sang năm 2024, nửa đầu năm, nhà đầu tư nên ưu tiên cho chiến lược đầu tư vào những tài sản an toàn như tiết kiệm và một số cổ phiếu có mức lợi nhuận cao. Đến cuối năm có thể giảm bớt những tài sản an toàn đổ dần sang những tài khoản có rủi ro cao hơn như cổ phiếu, và một số nhóm ngành dịch vụ dầu khí, ngân hàng, thực phẩm chế biến…

Cùng đánh giá lạc quan vào sự phục hồi của thị trường năm 2024, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu Research Đào Minh Châu cho rằng, ngoài các yếu tố sẽ hỗ trợ thị trường như lãi suất, lạm phát giảm, thị trường còn được hỗ trợ vào kỳ vọng nâng hạng, triển khai hệ thống KRX, giúp chứng khoán thu hút nhà đầu tư mới cũng như lượng tiền tham gia thị trường.