Chứng khoán trồi sụt, cơ hội nào cho nhà đầu tư?

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán diễn biến trồi sụt, lên xuống liên tục. Vậy, cơ hội nào cho nhà đầu tư tham gia thị trường này trong năm 2022?

Tại Tọa đàm "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 15/3, các chuyên gia cho biết, VN-Index tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 nhưng cơ hội lựa chọn đầu tư không dễ dàng. Vì vậy, nhà đầu tư cần bình tĩnh đưa ra quyết định đầu tư trước các diễn biến mới.

Toàn cảnh tọa đàm.
Toàn cảnh tọa đàm.

Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, sau năm 2021 tăng trưởng tích cực, thị trường chứng khoán 2 tháng đầu năm 2022 diễn biến trồi sụt. Chỉ số chính VN-Index dao động quanh ngưỡng 1.500 điểm, chưa tìm kiếm được động lực bứt phá trong bối cảnh có nhiều biến số khó lường cả trong và ngoài nước.

Nguyên nhân ở thị trường quốc tế, rủi ro địa chính trị tăng cao khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2, khiến giá dầu thô tăng lên mức kỷ lục 130 USD/thùng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các loại hàng hóa cơ bản khác cũng tăng phi mã do đứt gãy nguồn cung. Nguy cơ lạm phát tăng cao trên toàn thế giới.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam lại vừa mới chấp thuận chính sách kích thích kinh tế thông qua gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng vào đầu năm nay. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế là với áp lực lạm phát cả trong và ngoài nước, lãi suất đang có xu hướng tăng lên. Ngoài ra, sau đà tăng mạnh trong năm ngoái, không ít cổ phiếu đã tăng bằng lần, mặt bằng giá đã được đẩy lên một mức cao mới.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital Phạm Minh Tuấn thông tin, Chính phủ Việt Nam hiện vẫn đang ưu tiên phục hồi kinh tế với gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước đến nay với quy mô gần 350.000 tỷ đồng.

Đối với TTCK Việt Nam, trong gần 3 năm qua, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường vẫn liên tục tăng trưởng. Theo thống kê, VN-Index đã tăng 26,41% trong 1 năm vừa qua và lọt top 5 các chỉ số tăng mạnh nhất thế giới. Đi cùng với đó, thanh khoản TTCK cũng tăng tốt với nhiều phiên giao dịch lên đến hàng tỷ USD. “Có nhiều nguyên nhân cho sự tăng trưởng của TTCK, một trong số các lý do nổi bật là sự gia nhập của lớp nhà đầu tư F0. Đây được coi là cơ hội để các doanh nghiệp với nền tảng tài chính tốt có thể phát hành cổ phiếu, huy động vốn trên TTCK, thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn vay” - vị này nói.

Mặt khác, đối với các nhà đầu tư, đây cũng là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu triển vọng, tiềm năng trong tương lai dài hạn với mức giá phát hành thấp hơn so với giá giao dịch trên sàn chứng khoán.

Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS Lưu Đức Khánh đánh giá năm 2022 sẽ khó đầu tư hơn, nhiều thách thức hơn và đòi hỏi nhà đầu tư kiên nhẫn hơn. Bởi thị trường chứng khoán thường sẽ tăng chậm lại sau một quá trình tăng rất mạnh.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index đang ở pha điều chỉnh vùng 1.500 - 1.520 điểm đã kéo dài 2 - 3 tháng, và có thể kéo dài 6 tháng. Áp lực điều chỉnh chứng khoán trên thế giới và Việt Nam có sự đồng pha. Ngắn hạn, VN-Index đối mặt kháng cự 1.400 - 1.410 điểm.

Dù vậy, nhà đầu tư không nên bi quan quá, dù thị trường lên hay xuống, điều quan trọng là chúng ta đầu tư cổ phiếu nào, nhóm ngành nào. Đôi khi, bất chấp lạm phát, dòng tiền vẫn trú ẩn ở các mã chứng khoán.

Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN) Tạ Thanh Bình.
Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN) Tạ Thanh Bình.

Trong năm 2022, bà Tạ Thanh Bình- Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường- Ủy ban Chứng khoán (UBCK) cho biết, Bộ Tài chính, UBCK sẽ tập trung một số giải pháp để điều hành thị trường.

Thứ nhất, tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021 - 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển TTCK về dài hạn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư...

Thứ hai, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, đặc biệt là thị trường TPDN riêng lẻ, tăng cường công tác giám sát, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, các trường hợp cố tình, tái phạm hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin đảm bảo TTCK phát triển theo hướng minh bạch và bền vững...

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát và giao dịch cho thị trường TPDN phát hành riêng lẻ nhằm tăng cường tính minh bạch, an toàn và giảm thiểu rủi ro cho thị trường; Thứ tư, triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch; hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin; nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho phát triển các dịch vụ mới trên TTCK Việt Nam.