Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán tuần 21/10-25/10: Thiếu vắng trụ đỡ, VN-Index đánh mất hơn 32 điểm

Cẩm Vân/Thị trường tài chính
Chia sẻ Zalo

Trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường trải qua một giai đoạn giao dịch đầy biến động với việc VN-Index giảm mạnh 32,74 điểm (-2,55%). Đây là tuần giảm điểm khá cao, cho thấy sự điều chỉnh khá mạnh sau đợt tăng trưởng trước đó.

Ảnh minh họa   
Ảnh minh họa   

Xét về diễn biến, thị trường đang trải qua giai đoạn suy yếu rõ rệt khi lực cầu không đủ mạnh để đối trọng với áp lực bán ra ngày càng lớn. Điều này thể hiện qua các phiên giao dịch liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ, thậm chí có những phiên giảm mạnh. Trong tuần qua, chỉ có nhóm ngành Hàng không (+0.66%) tăng điểm nhẹ, còn lại các nhóm ngành khác đều giảm điểm, trong đó nhiều nhóm ngành vốn hóa lớn, tác động mạnh tới thị trường giảm mạnh đáng chú ý như: Ngân hàng (-3.19%), Chứng khoán (-4.16%), Hàng tiêu dùng (-4.84%), BĐS KCN (-6.16%).

Đầu tuần VN-Index phục hồi lên  vùng 1.290 điểm, sau đó chịu áp lực điều chỉnh mạnh kéo dài trong 05 phiên liên tiếp. Kết tuần VN-Index giảm -2,55% về mức 1.252,72 điểm.

Điểm sáng hiếm hoi trong tuần qua là áp lực bán không quá lớn, thanh khoản khớp lệnh sụt giảm -6% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản giao dịch bình quân trên sàn HSX đạt 596 triệu cổ phiếu (-5.85%), tương đương 15,409 tỷ đồng (-2.55%) về giá trị giao dịch.

Độ mở thị trường chìm trong sắc đỏ với 20/21 nhóm ngành điều chỉnh. Trong đó gây áp lực lớn lên thị trường và tâm lý giao dịch tuần vừa qua là các nhóm ngành như: BĐS KCN (-6.16%), Hàng tiêu dùng (-4.84%), Hóa chất (-4.50%), Chứng khoán (-4.16%),...Ở chiều ngược lại, Hàng không (+0.66%) là nhóm ngành duy nhất ngược dòng thị trường thành công.

Khối ngoại duy trì đà bán ròng trong tuần qua với ⅘ phiên “xả hàng”. Lũy kế cả tuần qua nhóm nhà đầu tư ngoại bán ròng -1,046 tỷ đồng (-42.9tr USD) trên sàn HSX. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại trong tuần qua là nhóm cổ phiếu: HPG (-302 tỷ đồng: -12.4tr USD), FUEVFVND (-211 tỷ đồng: -8.6tr USD), MSN (-188 tỷ đồng: -7.7tr USD),...Ở chiều mua ròng, khối ngoại tăng tỷ trọng một số mã: VPB (+350 tỷ đồng: +14.4tr USD), MWG (+212 tỷ đồng: +8.7tr USD), TCB (+156 tỷ đồng: +6.4tr USD),...

Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán BETA, tuần qua thị trường tiếp tục đối mặt với áp lực bán mạnh mẽ từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, nên bầu không khí tiêu cực. Mặc dù các báo cáo tài chính quý III đã được công bố gần hết, nhưng dường như chưa thể tạo cú huých đáng kể để cải thiện tâm lý thị trường. Điều này phản ảnh sự thận trọng cao độ của các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường còn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư dài hạn, thời điểm này có thể xem là cơ hội để tìm kiếm những cổ phiếu tiềm năng với mức giá hấp dẫn. Việc giải ngân nên được thực hiện từng phần và theo dõi sát sao các yếu tố tỷ giá cũng như diễn biến của khối ngoại.

Chuyên gia SHS cho rằng, xu hướng ngắn hạn đang điều chỉnh, tích  lũy, có thể quá trình tích lũy sẽ còn kéo dài khi thị trường vào khoảng trống thông tin sau kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024, cũng như thông tin bất định về bầu cữ Mỹ sắp đến.  Chúng tôi cho rằng vùng giá hợp lý của VN-Index trong vùng giá 1.250 điểm - 1.260 điểm, tương ứng với vốn hóa toàn thị trường khoảng 290 tỉ USD. Nhà đầu tư hạn chế bán thêm ở vùng giá này, duy trì tỉ trọng hợp lý, các vị thể giải ngân cần cẩn trọng chọn lọc các mã chất lượng tốt. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt, sau khi đánh giá kết quả kinh doanh quý III.