Nhóm cổ phiếu liên quan đến Gelex giao dịch tích cực
Phiên cuối tuần này (5/5/2023), dòng tiền co hẹp, VN-Index vẫn duy trì diễn biến rung lắc, lùi về dưới tham chiếu, xuống 1.040,31 điểm. HNX-Index giảm 0,35 điểm (0,17%) xuống 207,8 điểm. UPCoM-Index tăng 0,29 điểm (0,38%) lên 77,56 điểm. Thanh khoản giảm mạnh, giá trị khớp lệnh HoSE đạt 7.195 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng 176 tỷ đồng, tập trung vào STB, CTG, SSI, KBC, VPB…
Tuần qua, giá điện tăng kéo cổ phiếu ngành thiết bị điện có những diễn biến khá tích cực. Cụ thể, các cổ phiếu trong mối liên quan đến nhóm Công ty CP Gelex đang giao dịch tích cực. GEX tăng 2,99% giao dịch tới 300 tỷ đồng, cao thứ 2 toàn sàn. Cùng với GEX, cổ phiếu ngành thiết bị điện có phần khởi sắc. RAL tăng sát trần 6,76%, SAM tăng 3,45%, DQC, KSD, MBG, POT… cùng tăng giá. Trong diễn biến liên quan, ngày 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố giá bán điện bình quân tăng 3%.
Tại rổ VN30, MSN và VCB góp công lớn nhất giúp thị trường lấy lại thăng bằng. Cụ thể, MSN tăng 3,4% lên 73.000 đồng/cổ phiếu, còn VCB tăng 1,5% lên 89.800 đồng/cổ phiếu Trong khi đó, số mã giảm trong rổ VN30 vẫn chiếm áp đảo, gấp hơn 2 lần số mã tăng, nhưng biên độ giảm không quá lớn, chỉ trên dưới 1%, với PDR giảm mạnh nhất là 1,5%; tiếp theo là CTG và SSI giảm 1,4%.
Dòng tiền vẫn hướng đến các cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, VIX nới rộng biên độ khi tăng 3,5% và đóng cửa tại mức giá 8.790 đồng/cổ phiếu. Qua 1 tuần, VIX tăng hơn 12%. Xét về khối lượng giao dịch, VIX đứng đầu thị trường, khi trao tay hơn 24,1 triệu cổ phiếu trong phiên. Cùng với sự sôi động của VIX, một số mã chứng khoán nhỏ, vừa như HBS, MBS, IVS, APG, BVS… lấy lại sắc xanh. Trong khi đó, các mã lớn như HCM, VND, SSI, VCI… tiếp tục chìm trong sắc đỏ.
Nhóm thủy sản cũng tăng khá tốt với sự đóng góp của VHC tăng 3,4%, ANV tăng 2,8%, ASM tăng 1,8%, IDI tăng 1,3%. Bên cạnh đó, nhóm bảo hiểm cũng ngược dòng thị trường thành công, với BVH tăng 1,44%, PTI tăng 5,65%, VNR tăng 7,53%, PRE tăng 3,47%.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán tiếp tục là điểm trừ. Cụ thể, ở nhóm ngân hàng, TCB, CTG, TPB giảm hơn 1%, còn BID, VPB, SHB, ACB, MBB, VIB, STB, MSB giảm nhẹ. Nhóm chứng khoán giảm sâu nhất khi nhiều mã tìm đến mức giá thấp nhất trong ngày như VND giảm 1,7%, SSI giảm 1,4%, VCI và HCM cùng giảm 1,8%, AGR giảm 1,2%, VDS giảm 1,9%, ORS giảm 2,3%...
Giá điện tăng, nhiều ngành bị ảnh hưởng tiêu cực
Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố giá bán điện bình quân tăng 3% sau kỳ nghỉ lễ, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhìn tổng thể, bức tranh EVN tăng giá điện bán lẻ sẽ làm giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp sản xuất tăng, làm giảm lợi nhuận, đâu đó sẽ ảnh hưởng phần nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất điện dường như không được hưởng lợi trong ngắn hạn, niềm vui vẫn thuộc về doanh nghiệp phân phối điện.
Về dài hạn, giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỷ lệ cung cầu trên thị trường điện.
Xét trên nhiều phương diện, Mirae Asset cho rằng việc tăng giá bán lẻ điện có thể khiến một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện chịu ảnh hưởng tiêu cực như xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy.
Theo ước tính của Mirae Asset, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất. Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán
Với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng thấp hơn một vài ngành khác, trung bình 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Với giả định nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng. Mirae Asset ước tính chi phí điện tăng 3% làm cho giá vốn hàng bán tăng thêm, tổng lợi nhuận trước thuế của từng ngành có thể giảm tối đa tương ứng: Thép giảm 15%, giấy giảm 2%, xi măng giảm 13%, hóa chất giảm 1%. Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy sự sụt giảm đáng kể của lợi nhuận khi chi phí điện tăng thêm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng của việc gia tăng chi phí đầu vào