Ai chịu trách nhiệm cho thiệt hại của nhà đầu tư?
Sau phiên giông bão VN-Index đổ đèo, bảng giá tiếp tục “đơ” trước đó, TTCK phiên 11/1 diễn ra với những rung lắc mạnh. Có thời điểm chỉ số VN-Index mất hơn 10 điểm và thủng mốc 1.500, tuy nhiên lực cầu bắt đáy mau chóng xuất hiện giúp các chỉ số đảo chiều tăng điểm.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 2,64 điểm (-0,18%) xuống 1.506,35 điểm. Toàn sàn có 155 mã tăng, 284 mã giảm và 48 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,37 điểm (0,08%) lên 483,26 điểm. Toàn sàn có 76 mã tăng, 130 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,55 điểm (0,48%) lên 114,85 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao nhưng giảm so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 20.762 tỷ đồng, giảm 19,3%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 1,7,7% và đạt 17.621 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ trên cả 2 sàn giao dịch trong đó, dòng vốn ngoại mua ròng khoảng 25 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Hiện tượng bán không báo cáo làm nhiều nhà đầu tư điêu đứng trong phiên 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết, đã khiến nhóm cổ phiếu FLC tiếp tục bị bán mạnh nhưng nỗ lực thoát sàn. Dù lỗi đứng hình bảng điện khiến nhà đầu tư “bịt mắt” mua bán đã được HoSE và các công ty chứng khoán khắc phục. Tuy nhiên, trên các diễn đàn, nhà đầu tư vẫn rần rần yêu cầu, Ủy ban Chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm và đền bù thiệt hại.
“Chiến dịch 100 ngày xử lý nghẽn lệnh sàn HoSE đã kịp thời giải quyết thành công vấn đề nghẽn lệnh, nâng giới hạn xử lý tăng lên 3 triệu lệnh. Hiện số lệnh giao dịch đã tăng lên 2,5 triệu lệnh. Chúng ta cần nhanh chóng triển khai gói thầu để mở rộng và luôn luôn đón đầu, không để hệ thống giao dịch bị nghẽn mạch, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho TTCK”. Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính
Trong tối 10/1, trong công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu khẩn trương báo cáo lãnh đạo bộ tình hình, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố nêu trên. Bộ yêu cầu HoSE làm việc với các công ty công nghệ thông tin để áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phương án dự phòng nhằm khắc phục triệt để tình trạng trên, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định trong phiên giao dịch kế tiếp.
Ngay sau đó, HoSE phát đi thông báo chính thức về hiện tượng mất ổn định tạm thời của hệ thống trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán phiên giao dịch chiều ngày 10/1. Thông báo của HoSE cho biết, vào lúc 14 giờ 04, hệ thống Gateway (UDP) của HoSE trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán thành viên có hiện tượng mất ổn định. Đây là một trong hai kênh kết nối để Sở chuyển thông tin thị trường về cho công ty chứng khoán. Sau 14 giờ, các công ty chứng khoán vẫn nhận thông tin thị trường từ Sở thông qua kênh dữ liệu song song (PRS) bình thường.
Nóng mua chui, bán chui
Đến nay, TTCK Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Năm 2021, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7,77 triệu tỷ đồng, tăng 46,8%, đạt 123% so với GDP 2020 chưa điều chỉnh, 92,6% so với GDP đã điều chỉnh. Số lượng nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán đạt mức kỷ lục (trên 1,5 triệu tài khoản), bằng 4 năm trước đó cộng lại. Giá trị huy động vốn qua TTCK tăng 25% so với năm 2020, trong đó phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 155.588 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm trước.
Đáng chú ý, cả năm, cá nhân mở mới hơn 1,53 triệu tài khoản chứng khoán, gấp gần 4 lần so với cả năm 2020, lớn hơn cả 5 năm trước cộng lại. Trong khi đó, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước và cá nhân nước ngoài đều giảm.
Tuy nhiên, hai vấn đề lớn của thị trường thời gian qua là sự cố nghẽn lệnh và những sai phạm trên thị trường vẫn khiến nhà đầu tư bức xúc và đặt câu hỏi về tính minh bạch của thị trường.
Phiên 10/1, trò chơi “bịt mắt bắt dê” tái diễn sau thời gian vận hành hệ thống mới do FPT và Sovico phối hợp hỗ trợ Bộ Tài chính. Và câu chuyện “nóng” nhất, mới nhất là việc tỷ phú Trịnh Văn Quyết bán không báo cáo. Theo văn bản của Ủy ban Chứng khoán, chiều 10/1/2022 vào lúc 17 giờ 45 phút, Ủy ban Chứng khoán nhận được báo cáo của HoSE về việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC giao dịch bán 74,8 triệu cổ FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán cho biết, hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Ủy ban Chứng khoán tập trung hoàn thiện thể chế, từ luật đến nghị định, chiến lược phát triển của ngành chứng khoán, các thông tư và các quy định pháp luật có liên quan để bịt các lỗ hổng. Ngoài ra, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, trục lợi trên TTCK cũng cần được tăng cường để đảm bảo cho TTCK phát triển một cách lành mạnh, minh bạch, đúng đắn.