Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Việt lỡ hẹn nâng hạng thị trường: Vì sao và làm sao?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức MSCI vừa công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó, Việt Nam một lần nữa lỡ hẹn với danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi.

Thị trường chứng khoán Việt Nam lại lỡ hẹn thăng hạng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam lại lỡ hẹn thăng hạng.

Quy định giới hạn room ngoại khiến nhà đầu tư nước ngoài dè dặt

Nguyên nhân Tổ chức MSCI vẫn đang nói không với việc nâng hạng của thị trường Việt Nam, bao gồm: Giới hạn sở hữu nước ngoài, room ngoại còn lại, quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, đăng ký đầu tư và mở tài khoản, các quy định về thị trường, luồng thông tin, thanh toán bù trừ và khả năng chuyển nhượng. Đáng nói, các điểm trừ giống với báo cáo của MSCI trong năm 2021.

Trước đó, khi đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, MSCI đã đưa ra những quan điểm mới theo hướng kém tích cực hơn. Cụ thể, MSCI cho rằng các vấn đề về room nước ngoài đang tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Kevin Snowball - nguyên Giám đốc Điều hành quỹ PXP Vietnam Asset Management đánh giá: “Vẫn là vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhiều nhóm ngành trọng điểm. Nếu Việt Nam không tạo điều kiện hơn cho người nước ngoài mua cổ phần thì họ bắt buộc phải chọn các thị trường khác".

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh nhận định: “Chúng ta vẫn giới hạn room ngoại ở các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như: Ngân hàng, logistics, cảng biển… Đồng nghĩa, nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị giới hạn nếu muốn mua vào cổ phiếu các ngành này. Đây toàn là những câu chuyện cũ về việc nới room nước ngoài, đối xử công bằng của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, vấn đề về ngoại hối…".

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thế Minh, thị trường chứng khoán Việt Nam còn thiếu nhiều yếu tố khác, đó là chưa có một sở giao dịch, thiếu một trung tâm thanh toán độc lập, chưa thống nhất các quy chuẩn về công nghệ, luật chơi.

Xây dựng thị trường chứng khoán thực chất hơn

Nâng hạng thị trường có ý nghĩa rất quan trọng, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá cao hơn, qua đó, thu hút dòng vốn quốc tế. Gần đây, vấn đề nâng hạng thị trường cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam.

Thời gian gần đây, Việt Nam có nhiều động thái mạnh nhằm thanh lọc thị trường chứng khoán, nâng cao năng lực hệ thống giao dịch được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Việc nâng cao chất lượng thị trường nhằm bảo vệ nhà đầu tư, mở ra cơ hội cho chứng khoán Việt Nam nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

 

"Hiện, Bộ Tài chính đang phối hợp với tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra vào năm 2025" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Trong chuyến công du tới Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, UBCKNN Việt Nam đã hợp tác với sàn NYSE về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia thị thị trường. Tuy vậy, chặng đường nâng hạng của Việt Nam có vẻ vẫn còn xa. Theo dự báo của ông Phạm Lưu Hưng - Phó Giám đốc SSI Research cho biết, ít nhất phải đến năm 2025, chứng khoán Việt Nam mới có thể chính thức nâng hạng trên thị trường mới nổi.

Để giải quyết những nút thắt nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, có hai hướng là phát hành NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết) và đẩy mạnh phát hành sản phẩm ETF. Ở giải pháp phát hành NVDR, Luật Chứng khoán sửa đổi mới đã đưa NVDR vào định nghĩa, nhưng chưa có thông tư cụ thể. Với phương pháp này, thị trường Việt Nam có thể nhanh chóng khắc phục được câu chuyện room ngoại như cách Thái Lan đã giải quyết.

Với hướng đẩy mạnh phát hành sản phẩm ETF, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, cần thành lập công ty chỉ số trực thuộc Sở Giao dịch chứng khoán, ví dụ như Sở Giao dịch chứng khoán Đài Loan sở hữu 100% công ty Taiwan Index Plus Corpration (TIP) và giao một số chức năng liên quan đến kinh doanh chỉ số cho TIP. Đồng thời, Sở Giao dịch chứng khoán có thể liên kết hợp tác với FTSE hoặc MSCI làm các đơn vị cung cấp các chỉ số.

Chuyên gia tài chính Lê Phan Thành Long nêu quan điểm, thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dòng tiền. Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán phụ thuộc nhiều vào câu chuyện tiền vào hay ra. Do vậy, cần xây dựng thị trường thực chất hơn. Điều này mang lại lợi ích to lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam và tất cả thành viên tham gia thị trường chứng khoán được hưởng lợi. Thị trường tăng trưởng phải về chất, giá trị DN tăng và hút được dòng tiền lớn từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Đó mới là mục đích lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam.