Chung tay cùng người dân Đông Anh phát triển du lịch di sản

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/8, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đông Anh tổ chức hội nghị triển khai về ứng xử văn minh và du lịch cộng đồng cho dân cư xã Vân Hà (huyện Đông Anh), qua đó phát huy tiềm năng điểm du lịch khu vực ngoại thành.

Huyện Đông Anh từng là trung tâm của nền văn hóa Đông Sơn, nhắc đến Đông Anh là nhắc tới Cổ Loa - mảnh đất từng hai lần được chọn là kinh đô nước Việt dưới thời An Dương Vương và Ngô Quyền. Hiện trên địa bàn huyện Đông Anh bảo tồn 124 di tích cấp quốc gia và cấp thành phố, cùng hệ thống di sản văn hóa phi vật thể với 98 lễ hội dân gian đặc sắc như Hội rước Bát xã Loa thành, Hội rước vua giả đền Sái...

Đan xen với các lễ hội là các trò chơi dân gian độc đáo như cướp cầu làng Viên Nội, kéo lửa thổi cơm thi làng Lương Quy, kén rể làng Đường Yên - Xuân Nộn... và các loại hình nghệ thuật truyền thống như  rối nước Đào Thục, ca trù Lỗ Khê, tuồng cổ Xuân Nộn, chèo cổ Dục Tú, trong đó rối nước Đào Thục đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách.

Du khách tham quan di tích lịch sử quốc gia đền Cổ Loa (Đông Anh). Ảnh: Hoài Nam
Du khách tham quan di tích lịch sử quốc gia đền Cổ Loa (Đông Anh). Ảnh: Hoài Nam

Nhờ những lợi thế nổi trội về tài nguyên văn hóa, Đông Anh xác định du lịch di sản là một trong những sản phẩm chủ đạo của huyện. Phó trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Đông Anh Trần Thị Dịu cho biết, huyện Đông Anh luôn xác định việc phát triển du lịch phải gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò của người dân và cộng đồng.

Mặc dù huyện Đông Anh đã có nhiều cố gắng trong phát triển du lịch di sản , nhưng trong quá trình khai thác loại hình du lịch này  cũng gặp một số khó khăn bất cập. Cụ thể, nguồn nhân lực tham gia dịch vụ du lịch phát triển tự phát, chưa được đào tạo bài bản, việc quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại, kết nối các tour, tuyến còn gặp nhiều khó khăn…

Chuyên gia du lịch hướng dẫn người dân Đông Anh phát triển du lịch di sản. Ảnh: Hoài Nam
Chuyên gia du lịch hướng dẫn người dân Đông Anh phát triển du lịch di sản. Ảnh: Hoài Nam

Để khắc phục những khó khăn này, đại diện huyện Đông Anh kiến nghị trong thời gian tới bên cạnh sự cố gắng của địa phương , đòi hỏi Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Sở Du lịch Hà Nội và doanh nghiệp lữ hành hỗ trợ tổ chức kết nối các tour, tuyến du lịch, đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm tại điểm du lịch, làng nghề truyền thống của huyện Đông Anh.

Để khắc phục những bất cập này, Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học KH&XHNV) TS Phạm Hồng Long cho rằng, huyện Đông Anh nên phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử như Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa và nghệ thuật trình diễn múa rối nước thôn Đào Thục (xã Thụy Lâm)...

Ngoài ra, cần hướng dẫn các đơn vị cơ sở xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm ẩm thực, nông nghiệp tiêu biểu của địa phương như đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà, quất Tàm Xá, bún Mạch Tràng, tương Việt Hùng... qua đó gia tăng mức chi tiêu của du khách khi đến với Đông Anh. “Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ du lịch phụ thuộc rất nhiều vào nhân lực, chính là người dân địa phương. Để người dân có được kỹ năng, kiến thức làm du lịch thì cần phải được tập huấn, hướng dẫn và kết hợp cùng kinh nghiệm thực tế"-ông Long nhấn mạnh.

Việc Sở Du lịch Hà Nội hỗ trợ người dân huyện Đông Anh và xã Vân Hà phát triển du lịch cộng đồng góp phần thúc đẩy ngành du lịch Hà Nội phát triển, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân địa phương.