Nhiều giải pháp giúp du lịch Ninh Bình "cất cánh"
Kinhtedothi - Tại hội thảo "Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh" diễn ra sáng 9/5, các chuyên gia cùng nhau hiến kế để du lịch Ninh Bình lên tầng cao mới, thành điểm đến hàng đầu ASEAN.
Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, Ninh Bình là vùng đất cổ, có tài nguyên thiên nhiên và văn hoá đa dạng, phong phú, trên nền cảnh quan đặc sắc, kết tinh bề dày lịch sử văn hoá nhân loại và dân tộc Việt Nam, nơi từng là Kinh kỳ - Đô hội. Dựa trên những lợi thế đó, Ninh Bình đã nhập cuộc vào ngành “công nghiệp không khói” một cách mạnh mẽ, trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn giúp cho du lịch Ninh Bình thăng hoa phát triển.
Theo ông Sơn, phát triển công nghiệp văn hoá là một trong những chiến lược phát triển kinh tế bền vững, là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước. Đây là cơ sở để Ninh Bình luôn kiên định các mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng “xanh, bền vững và hài hòa”; phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có, đưa Ninh Bình trở thành trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa, trung tâm du lịch của vùng, quốc gia và quốc tế.

Quần thể danh thắng Tràng An, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Đến nay, du lịch Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, trở thành một trong 10 điểm đến hàng đầu Việt Nam và được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng danh giá từ các tổ chức và chuyên trang quốc tế. Năm 2024, Ninh Bình đón 8,7 triệu lượt khách, vượt 16% kế hoạch; doanh thu đạt hơn 9.100 tỷ đồng, tăng trên 40% so với năm 2023.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo hài hòa giữa khai thác và bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tỉnh Ninh Bình xác định cần tiếp tục đánh thức kho báu di sản văn hoá, biến văn hóa thành động lực - thông qua công nghiệp văn hóa, sáng tạo, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, kết hợp với các giá trị văn hoá bản địa, nghệ thuật, ẩm thực, làng nghề...
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phan Tâm chia sẻ, những năm gần đây, du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ. Thời gian tới, du lịch Ninh Bình cần tiếp tục bứt phá về chất, yếu tố văn hóa phải được xác định là hạt nhân của mọi chiến lược, nhất là du lịch văn hóa. Bộ sẽ luôn đồng hành cùng tỉnh Ninh Bình trong việc thể chế hóa các định hướng phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch. Bộ sẽ hỗ trợ về mặt chính sách, kết nối nguồn lực đầu tư, tư vấn chuyên môn và kêu gọi sự tham gia của các tổ chức văn hóa, mạng lưới sáng tạo trong và ngoài nước vào các dự án cụ thể của tỉnh.
Ông Jonathan Wallet Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhận định, Ninh Bình là vùng đất đặc biệt không chỉ được tôn vinh vì những giá trị nổi bật toàn cầu mà còn là một nơi có cảnh quan vô cùng sống động, có cộng đồng địa phương gắn bó sâu sắc với các tài nguyên tự nhiên và văn hóa. Để phát huy các ngành văn hóa sáng tạo, tận dụng di sản Tràng An làm nền tảng cho đổi mới và tăng trưởng kinh tế cần phát triển các tuyến du lịch văn hóa theo chủ đề và du lịch nông thôn nhằm khuyến khích du khách khám phá di sản sống động của Ninh Bình vượt ra ngoài các điểm đến quen thuộc.
Bên cạnh đó, theo ông Jonathan Wallet Baker, cần thúc đẩy các mô hình hợp tác xã du lịch văn hóa do cộng đồng dẫn dắt, đảm bảo phân chia lợi ích một cách công bằng; thành lập các "vườn ươm" di sản để hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, nghệ nhân và doanh nghiệp địa phương hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Trao quyền cho thanh niên thông qua các chương trình ghi chép lịch sử truyền miệng, kể chuyện số và đào tạo lãnh đạo trong lĩnh vực du lịch sinh thái.
Theo NSND Nguyễn Xuân Bắc, Ninh Bình cần có những cơ chế, chính sách riêng, mang tính đặc trưng, đặc thù nhằm thu hút các đơn vị sản xuất chương trình hàng đầu Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái tổng hợp phát triển hài hòa, tương hỗ giữa các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa một cách toàn diện, hiệu quả, trở thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh, theo các đại biểu, Ninh Bình cần xây dựng bản đồ công nghiệp văn hóa tích hợp điểm đến du lịch; ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hóa để giải phóng sức sáng tạo, khơi thông nguồn lực trong phát huy thế mạnh giàu có tài nguyên văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản đô thị của Ninh Bình bằng các sản phẩm, dịch vụ có giá trị kinh tế, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng sáng tạo, doanh nghiệp, người dân địa phương; gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO...

Ninh Bình: chú trọng nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch
Kinhtedothi – Không chỉ thu hút về lượng khách và nâng cao doanh thu, Ninh Bình đang hướng đến chiều sâu trải nghiệm cho du khách với những cơ sở lưu trú chất lượng cao, dịch vụ toàn diện.

Ninh Bình đón gần 5,61 triệu lượt khách trong 4 tháng đầu năm
Kinhtedothi - Theo Sở Du lịch Ninh Bình, tính chung 4 tháng đầu năm 2025, Ninh Bình đón gần 5,61 triệu lượt khách, tăng 13,63% so với cùng kỳ.

Ninh Bình thu trên 1.000 tỷ đồng dịp nghỉ lễ
Kinhtedothi - Theo Sở Du lịch Ninh Bình, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, toàn tỉnh ước đón trên 700.000 lượt du khách, doanh thu du lịch ước đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 43,9% so với dịp nghỉ lễ năm 2024.