Ninh Bình: chú trọng nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch
Kinhtedothi – Không chỉ thu hút về lượng khách và nâng cao doanh thu, Ninh Bình đang hướng đến chiều sâu trải nghiệm cho du khách với những cơ sở lưu trú chất lượng cao, dịch vụ toàn diện.
Để phát triển du lịch, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều chính sách đột phá, nổi bật nhất là Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND. Chính sách này không chỉ thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ mà còn hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ cộng đồng.
Tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hàng loạt lớp tập huấn miễn phí dành cho người dân, từ kỹ năng tổ chức du lịch cộng đồng đến bảo vệ môi trường bền vững. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai các chương trình hỗ trợ, từ đào tạo nguồn nhân lực đến đầu tư phát triển cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch.

Ninh Bình phát triển các cơ sở lưu trú du lịch.
Một trong những chính sách nổi bật của tỉnh Ninh Bình nhằm hỗ trợ người dân phát triển dịch vụ, cơ sở lưu trú là hỗ trợ phát triển mô hình homestay. Cụ thể, các hộ dân đầu tư xây dựng mới nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng mỗi công trình. Đối với các công trình nâng cấp hoặc cải tạo, mức hỗ trợ là 50 triệu đồng mỗi công trình. Để đủ điều kiện nhận hỗ trợ, các tổ chức, hộ gia đình hoặc cá nhân cần đáp ứng các yêu cầu về kinh doanh du lịch theo quy định của pháp luật, đồng thời tuân thủ các quy định liên quan đến xây dựng, đầu tư và kinh doanh.
Với việc không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.
Theo Sở Du lịch Ninh Bình, hiện hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, đa dạng cả về số lượng, chất lượng và loại hình. Toàn tỉnh có gần 900 cơ sở lưu trú, với gần 11.000 phòng nghỉ, các cơ sở lưu trú luôn quan tâm đến chất lượng dịch vụ và đầu tư các trang thiết bị để thu hút khách du lịch. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, gia tăng trải nghiệm, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cũng đang tích cực hưởng ứng các giải pháp nhằm hướng tới du lịch xanh, phát triển bền vững.
Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Chi hội Du lịch xanh Việt Nam cho biết, thời gian qua nhiều cơ sở lưu trú ở Ninh Bình đã chú trọng chuyển đổi nhằm phát triển theo hướng xanh, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Điều này được thể hiện qua nhiều kết quả tích cực như Ninh Bình là một trong 2 địa phương trên cả nước thực hiện thí điểm Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì thực hiện.
Mới đây, Ninh Bình là tỉnh có số doanh nghiệp tích cực nhất trong việc tham gia Bộ tiêu chí Du lịch xanh (chiếm 34,5% tổng số đơn vị của cả nước). Kết quả 100% các đơn vị đều đạt tiêu chí và được cấp nhãn du lịch xanh, trong đó có nhiều cơ sở lưu trú đạt loại xuất sắc.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành lưu trú, thời gian qua công tác quản lý cũng được đặt lên hàng đầu. Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá và phân hạng các cơ sở lưu trú; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng phục vụ, quản trị khách sạn, ứng xử văn minh du lịch cho người lao động trong ngành.
Ninh Bình có nhiều tiềm năng để phát triển hệ thống lưu trú vừa thân thiện với môi trường, vừa giàu bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần sự chung tay của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để không chỉ là nâng cấp cơ sở vật chất, mà còn là hành trình xây dựng hình ảnh điểm đến chuyên nghiệp, văn minh, giàu trải nghiệm.
Bên cạnh các hoạt động, chương trình, sự kiện, để phát triển du lịch bền vững, theo Sở Du lịch Ninh Bình, việc đầu tư vào giao thông, lưu trú và các dịch vụ hỗ trợ cũng vô cùng quan trọng. Việc này không chỉ nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào ngành du lịch.
Hiện, Ninh Bình có gần 20 khu, điểm du lịch cấp quốc gia và quốc tế, trở thành những điểm đến mới hấp dẫn như đảo Khê Cốc, phố cổ Hoa Lư, tuyến 4 Khu du lịch Tràng An, động Am Tiên…
Sở Du lịch Ninh Bình đang triển khai phát triển theo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, các quy hoạch quan trọng như Quần thể danh thắng Tràng An, trung tâm Ninh Hải-Ninh Thắng và đô thị Ninh Bình đến năm 2050 sẽ được thực hiện đồng bộ.
Mục tiêu đến năm 2030, Ninh Bình sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam, với tổng lượng khách dự kiến đạt 12 triệu lượt, trong đó có 2,5-3 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch ước đạt 18.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 43.000 lao động.
Trong năm 2025, Ninh Bình đặt mục tiêu đón hơn 9,1 triệu lượt khách, trong đó 2 triệu khách quốc tế, doanh thu ước đạt trên 10.000 tỷ đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh xác định rõ cần nâng cấp đồng bộ chất lượng dịch vụ lưu trú, đồng thời xây dựng hệ sinh thái du lịch đa trải nghiệm, đặc biệt vào ban đêm.
Ninh Bình – mảnh đất với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến quốc tế. Để du lịch phát triển bền vững, không chỉ có danh thắng đẹp, mà còn là những đêm lưu trú đáng nhớ, nơi trải nghiệm và cảm xúc hòa quyện, giữ chân du khách ở lại lâu hơn.

Đồng Nai, Bình Thuận, Vũng Tàu: tình hình du lịch lễ 30/4 và 1/5 năm nay có gì mới?
Kinhtedothi - Với ưu thế phát triển du lịch kết hợp “lên rừng” và “xuống biển”, cùng các loại hình dịch vụ du lịch ngày càng đa dạng, phong phú, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Đồng Nai kỳ vọng dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay tiếp tục đón lượng khách bùng nổ.

Quảng Ngãi tập trung nâng cao chất lượng du lịch mùa cao điểm
Kinhtedothi - Quảng Ngãi đang bước vào mùa cao điểm du lịch, nhất là dịp lễ 30/4 và 1/5. Các cơ sở lưu trú; khu, điểm du lịch đã tập trung cải thiện chát lượng, đa dạng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Vĩnh Phúc: đảm bảo an toàn cho khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Kinhtedothi - Nhận định dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay lượng khách du lịch đổ về thị trấn Tam Đảo có khả năng tăng cao, UBND thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng phương án sẵn sàng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách.